Trung Quốc chưa “đủ sức” lôi kéo Pháp dừng hành động trên Biển Đông
(Dân trí) - Việc Pháp ký kết các thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc và sự im lặng của Tổng thống Emmanuel Macron không đồng nghĩa với việc Paris sẽ dừng kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Trong chuyến thăm gần đây tới Thượng Hải và Bắc Kinh nhằm giúp các doanh nghiệp Pháp giành được những hợp đồng “hậu hĩnh”, đồng thời bảo vệ các lợi ích thương mại của EU trước khi Mỹ và Trung Quốc tìm được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Tổng thống Emmanuel Macron đã thận trọng không công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Do vậy, không ngạc nhiên khi tuyên bố do Pháp đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/11 không đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã “cảnh báo” Tổng thống Pháp không nên động chạm tới vấn đề Biển Đông. Zhu Jing, phó vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 5/11 nói rằng, Pháp không nên đóng vai trò “gây rối” tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hoặc đưa tàu chiến tới vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Pháp đã nhiều lần chỉ trích các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Hải quân Pháp đưa tàu tới Biển Đông trung bình từ 3-4 lần/năm.
Ngoài ra, Pháp cũng triển khai tàu tuần dương Vendémiaire tới eo biển Đài Loan, khu vực chia tách Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, hồi tháng 4. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, tuy nhiên Pháp đáp trả rằng các tàu của nước này vẫn đi lại thường xuyên trong khu vực nhằm tái khẳng định cam kết của Paris với luật biển quốc tế.
Chiến lược của Pháp
Đối với giới chức Pháp, sự hiện diện hải quân của nước này từ vùng biển Ả rập cho tới vành đai Thái Bình Dương đều nhằm duy trì các vùng biển mở, khẳng định quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong văn bản chính thức có tên gọi “Pháp và An ninh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định, Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn là “khu vực căng thẳng do hành vi thách thức của một số quốc gia liên quan tới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
“Tại Biển Đông, các hoạt động bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các đảo tranh chấp đã làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”, văn bản của Pháp nêu rõ.
Pháp thậm chí còn công khai chỉ trích việc Trung Quốc bành trướng quân sự tại Biển Đông. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Pháp hồi tháng 7, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp Christopher Prazuck nói rằng tham vọng của Trung Quốc đã mở rộng tới tận Ấn Độ Dương. Ông Prazuck khẳng định các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã vi phạm luật biển quốc tế cũng như phán quyết của tòa trọng tài.
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp (Ảnh: Reuters)
Pháp tái khởi động Đối thoại An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương với Mỹ, trước khi triển khai tàu sân bay Charles De Gaulle tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay. Cả Pháp và Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới liên minh và đối tác chiến lược nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.
Đô đốc Prazuck hồi tháng trước đề xuất các cuộc tuần tra chung tại tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương giữa hải quân Pháp và Australia, trong bối cảnh Australia cũng lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.
Theo Đô đốc Prazuck, các tàu chiến Australia có thể tham gia hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle khi chiến hạm Pháp tiến hành các hoạt động trong khu vực, đồng thời các tàu tuần dương của Pháp có thể hộ tống các tàu đổ bộ của Australia. Pháp muốn hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Australia, đặc biệt trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm và đổ bộ.
Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp đã huấn luyện tại vịnh Bengal với các tàu chiến của Nhật Bản, Australia và Mỹ hồi tháng 5. Sau đó, tàu sân bay này tiếp tục tham gia diễn tập chống ngầm với hải quân Ấn Độ trong đợt tập trận thường niên Varuna, sự kiện có thể đặt Trung Quốc trong “tầm ngắm”. Tàu sân bay Pháp kết thúc sứ mệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Singapore.
Các chiến dịch chung với tuần duyên Mỹ, lực lượng hiện diện liên tục tại Tây Thái Bình Dương trong năm nay và có kinh nghiệm trong việc phối hợp với lực lượng hải quân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, đã góp phần gia tăng ảnh hưởng an ninh của Pháp tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc có thể sẽ cảm thấy “nóng mặt” với các thương vụ vũ khí lớn của Pháp và các nước được xem là đối thủ của Bắc Kinh. Pháp được cho là đã bán khoảng 23 tỷ USD vũ khí cho các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ năm 2008 - 2017. Australia ngày càng phụ thuộc nhiều vào các vũ khí do Pháp sản xuất, trong khi Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và Malaysia cũng là những khách hàng lớn mua vũ khí của Pháp.
Tuy vậy, Pháp vẫn phải tìm cách cân bằng các lợi ích xung đột khi vừa đảm bảo sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng cũng cần bảo vệ trật tự quốc tế do phương Tây định hình trước những thách thức từ Trung Quốc. Điều này giải thích tại sao Pháp tiến hành các hoạt động hải quân tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, song vẫn tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Pháp có thể sẽ dịu giọng trong việc phản đối các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông để bảo vệ quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Pháp khó có thể từ bỏ việc bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Nói cách khác, các thương vụ vũ khí vẫn là trụ cột trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp, dù cho Trung Quốc có thích hay không.
Thành Đạt
Theo SCMP