1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tân Đại sứ EU: Châu Âu ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Giorgio Aliberti bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của khối này đối với cách giải quyết của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó việc đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tân Đại sứ EU: Châu Âu ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông - 1

Tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Giorgio Aliberti

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti đã nhấn mạnh điều đó trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên vào sáng ngày 12/11 sau khi chính thức nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam hồi tháng trước.

Trong cuộc trao đổi, ông Aliberti đã chia sẻ về các ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ 4 năm tới, và nhận được nhiều câu hỏi từ các phóng viên liên quan tới hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đang trong quá trình được xem xét phê chuẩn ở cả hai bên, hiệp định hợp tác quốc phòng và an ninh mới được ký kết, các căng thẳng ở Biển Đông và hợp tác giữa EU với ASEAN khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Aliberti cho biết, Liên minh châu Âu rất chú ý tới các căng thẳng leo thang trên vùng biển này 2 năm qua. Ông nhấn mạnh, EU coi Biển Đông không phải là vấn đề song phương, cục bộ hay khu vực mà là vấn đề toàn cầu.

“Tất cả các nước đều có lợi ích trong vấn đề này. Vấn đề tự do hàng hải

Đại sứ EU cho biết, 2 trong số những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ 4 năm tới là trợ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế số, và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

rất quan trọng đối với chúng tôi. Vùng biển này quan trọng về thương mại, chỉ cần một chút gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới thương mại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngay tức thì”, ông Aliberti nói.

Theo Đại sứ Aliberti, trong vấn đề Biển Đông, EU ủng hộ một trật tự dựa trên các quy định, ủng hộ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định và luật pháp quốc tế. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với cách xử lý của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó đề cao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), coi đây là nền tảng để tất cả các bên phải tuân thủ.

Hiệp định hợp tác về an ninh, quốc phòng

Chia sẻ về Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) mà Liên minh châu Âu và Việt Nam mới ký kết hồi tháng trước, ông Aliberti cho hay hiệp định này tạo ra mối liên kết mạnh mẽ về vấn đề an ninh giữa Việt Nam và EU, tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự do EU lãnh đạo. 

“Châu Âu là nhà tài trợ lớn nhất nhưng cũng là một chủ thể an ninh quan trọng trên thế giới ở khía cạnh quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự. Hiện EU đang có 16 phái bộ tại các địa bàn nóng trên thế giới và nếu không ký kết một hiệp định như vậy thì các nước không thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động an ninh của chúng tôi”, ông nói.

Theo ông Aliberti, có thể nhìn ở 2 khía cạnh của hiệp định: chính trị và vận hành. Về mặt chính trị, nó tạo ra một cơ chế đối thoại về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và EU. 

Mặt khác, đây cũng là một tín hiệu gửi đi rằng Việt Nam sẵn sàng hội nhập hơn nữa với thế giới trong lĩnh vực hợp tác an ninh, quốc phòng. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đầu năm tới Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN cũng như trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020.

Theo ông Aliberti, hiệp định mở ra các nền tảng cho việc thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng giữa hai bên, như Việt Nam có thể thảo luận với EU về các mối quan ngại liên quan tới vấn đề an ninh ở Biển Đông.

“Các hợp tác như vậy rất quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực và trở nên sẵn sàng hơn nữa cho các hoạt động an ninh, như việc Việt Nam đang hợp tác với Liên Hợp Quốc trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình”, ông nói.

Nhà ngoại giao EU cho hay, ông vui mừng khi Việt Nam sắp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, nhất là khi Việt Nam luôn ủng hộ quan hệ với EU và có cách tiếp cận mang tính hợp tác.

“EU coi Việt Nam là một đối tác rất tích cực trong ASEAN. Chúng tôi coi việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng, đặc biệt nhân dịp Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì ưu tiên này càng có ý nghĩa hơn. EU muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam và thông qua Việt Nam để tăng cường quan hệ với khu vực ASEAN”, Đại sứ Aliberti nói.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí, Đại sứ Aliberti đã bày tỏ chia buồn sâu sắc về vụ việc 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải ở Anh. Ông cho biết, EU sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam để nâng cao nhận thức của người dân tại các vùng nông thôn nhằm chống lại các hành vi đưa người trái phép vào châu Âu và ngăn chặn tái diễn các vụ việc tương tự.

An Bình