1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia dự đoán 2 kịch bản sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều người trên thế giới rất kinh ngạc trước những hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy sự tàn phá lớn sau vụ núi lửa ngầm ở Tonga phun trào, tạo mây hình nấm khổng lồ ở Thái Bình Dương.

Chuyên gia dự đoán 2 kịch bản sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga - 1

Hình ảnh từ Planet SkySat cho thấy một đám khói bốc lên từ núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai vài ngày trước khi phun trào vào ngày 15/1 (Ảnh: Reuters)

Nhiều người thắc mắc vì sao vụ nổ lại lớn như vậy, sóng thần lan rộng đến đâu, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các nhà khoa học gồm ông Shane Cronin, giáo sư núi lửa tại Đại học Auckland (New Zealand), và bà Emily Lane, một chuyên gia sóng thần tại Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, đã giúp giải thích những câu hỏi xung quanh thảm họa kép lần này, theo hãng tin AP.

Vụ nổ mạnh nhưng ngắn

Đợt phun trào núi lửa ở Tonga hôm 15/1 rất mạnh nhưng cũng tương đối ngắn. Núi lửa ngầm phun tro bụi kinh hoàng lên không trung ở độ cao hơn 30 km nhưng chỉ kéo dài khoảng 10 phút chứ không kéo dài trong nhiều giờ như những vụ phun trào lớn khác.

Theo ông Cronin, sức mạnh của vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga Hunga Ha'apai được xếp vào hàng lớn nhất thế giới trong 30 năm qua và mức cao của đám tro bụi, hơi nước và khí bùng lên từ núi lửa có thể so sánh với vụ phun trào khổng lồ của núi lửa Pinatubo ở Philippines vào năm 1991 khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Vì sao lại gây nổ lớn?

Lượng mắc ma bên trong ngọn núi lửa này chịu áp suất rất lớn, có rất nhiều khí tích tụ bên trong. Khi đó, chỉ cần một vết nứt cũng có thể làm giảm áp suất đột ngột và luồng khí này mở rộng và làm nổ các khối mắc ma.

Giáo sư Cronin cho biết miệng núi lửa nằm ở độ sâu khoảng 200m dưới mực nước biển, độ sâu có thể gây ra một vụ nổ lớn. Theo đó, khi nước biển tràn vào núi lửa, ngay lập tức nó sẽ biến thành hơi nước, điều này khiến vụ nổ diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Thiệt hại nặng nhưng không quá lớn

Nhiều nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi một vụ phun trào duy nhất có thể tạo ra một trận sóng thần cao khoảng 1m rộng khắp trên toàn Thái Bình Dương, gây vỡ tàu thuyền ở New Zealand và gây ra một vụ tràn dầu và hai vụ chết đuối ở Peru.

Chuyên gia Lane cho biết, sóng thần trên đại dương thường được kích hoạt bởi các trận động đất kéo dài ở các khu vực rộng lớn chứ không phải chỉ từ một ngọn núi lửa duy nhất, về cơ bản chỉ như chấm nhỏ giữa đại dương. Theo bà, có thể đã có tác động từ các yếu tố khác, chẳng hạn như một sườn núi ngầm của ngọn núi lửa này đã sụp đổ và dịch chuyển dòng nước. Bà đưa ra giả thuyết là sóng xung kích, hay sự bùng nổ sóng âm có thể đã "bơm" thêm sức mạnh vào các đợt sóng thần.

Một bí ẩn khác là tại sao sóng thần không gây ra sức tàn phá khủng khiếp cho Tonga, nơi gần như nằm trên đỉnh của núi lửa ngầm này và chính là "đối tượng" hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn so với các khu vực xa xôi khác như Thái Bình Dương, New Zealand hay Peru. "Đó là câu hỏi triệu USD", ông Cronin nói. "Nhìn vào những hình ảnh chụp được cho đến nay, mức độ tàn phá ít ở Tonga ít hơn những gì tôi tưởng tượng".

Giới chức Tonga hôm 19/1 xác nhận 3 người thiệt mạng sau thảm họa kép với những lo ngại vẫn còn người dân trên một số hòn đảo nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng chục ngôi nhà bị phá hủy. Theo chuyên gia sóng thần Lane, ít nhất người dân Tonga đã nhận được một số cảnh báo nguy hiểm trước vụ phun trào, từ việc núi lửa ở Tonga đã gia tăng hoạt động một ngày trước khi phun trào và vụ nổ cực lớn trước khi sóng thần ập đến. 

Theo bà, các rạn san hô, đầm phá và đặc điểm tự nhiên khác đã bảo vệ một phần cho Tonga, đồng thời khuếch đại mức sóng ở một số khu vực nhất định.

Có thể uống nước bị phủ tro bụi?

Trong khi đó, giáo sư Cronin cho biết lớp tro bụi núi lửa đang phủ lên khắp Tonga có tính axit nhưng không độc. Do đó, theo ông, người dân vẫn có thể uống nguồn nước ở đây ngay cả khi bị dính tro bụi.

Theo ông, dù tro bụi sẽ khiến nước có tính axit và mặn hơn nhưng nếu nguồn nước uống trở nên khan hiếm, thì uống nước nhiễm tro vẫn tốt hơn là nước đọng vì nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn rất cao.

Hai kịch bản cho núi lửa ở Tonga

Giáo sư Cronin cũng đưa ra hai kịch bản chính sau vụ phun trào ở Tonga.

Thứ nhất, núi lửa vừa phun trào đã không còn đủ sức và sẽ "ngủ yên" trong 10-20 năm tới khi mắc ma từ từ tích tụ trở lại. Kịch bản thứ hai, một lượng mắc ma mới gia tăng nhanh chóng để thay thế khối mắc ma đã phát nổ, có thể gây ra các đợt phun trào liên tiếp. Tuy nhiên, giáo sư Cronin tin rằng những vết nứt từ đợt phun trào vừa qua sẽ làm khí thoát nhiều hơn, giảm áp suất trong núi lửa, và những vụ phun trào tiếp theo sẽ có quy mô nhỏ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Vụ núi lửa phun trào dữ dội nhất thế kỷ 21, như "bom nguyên tử" ở Tonga