Khoảnh khắc tháo chạy trong thảm họa núi lửa "nghìn năm có một" ở Tonga
(Dân trí) - Nhân chứng đã kể lại khoảnh khắc kinh hoàng trong vụ phun trào núi lửa như bom nguyên tử tại Tonga.
Khi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở Tonga phun trào dữ dội, tạo thành sóng thần khắp Thái Bình Dương, vụ nổ ở đảo quốc nhỏ bé này chói tai đến mức các gia đình chỉ còn biết vẫy tay về phía người thân để cùng nhau tháo chạy.
"Vụ nổ đầu tiên xảy ra, tai chúng tôi ù đi, thậm chí không thể nghe thấy tiếng của nhau, vì vậy tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc đó là vẫy tay về phía người thân của mình để cùng nhau đứng dậy, sẵn sàng chạy", nhà báo địa phương Marian Kupu, một trong những nhân chứng của vụ phun trào núi lửa tại Tonga, kể lại.
"Chúng tôi sơ tán và sau đó chúng tôi, cả gia đình, chạy khỏi khu vực Kolovai, vì Kolovai nằm ngay cạnh bờ biển", Kupu nói về cảnh tượng hỗn loạn vào tối 15/1.
Vụ nổ khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Sóng thần cao 15 m ập vào một hòn đảo nhỏ và gây thiệt hại nặng nề cho các ngôi làng, khu nghỉ dưỡng và nhiều tòa nhà trên những hòn đảo của Tonga. Vụ nổ cũng cắt đứt mạng lưới liên lạc trong nước và nước ngoài, làm gián đoạn hệ thống cáp Internet dưới biển.
Theo Trung tâm Không gian Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sức mạnh của vụ phun trào núi lửa ước tính gấp hơn 500 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tonga đã bị cô lập kể từ sau vụ núi lửa phun trào. Kupu phải đeo khẩu trang và quàng khăn để bảo vệ mình khi tro bụi núi lửa bao phủ khắp Tonga. Thảm họa này cũng khiến nguồn nước sạch bị ô nhiễm.
"Bụi bám trên các mái nhà, trên cây, ở khắp mọi nơi. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là nước sạch để uống. Hầu hết nước uống của chúng tôi đã bị ô nhiễm do bụi núi lửa", Kupu nói.
Khi được hỏi về nguồn cung cấp thực phẩm cho 105.000 dân ở Tonga, Kupu cho biết: "Chúng tôi vẫn có thể sống sót trong vài tuần tới, nhưng tôi không chắc có đủ nước sạch để dùng không".
Hội Chữ thập đỏ cho biết nước mặn do sóng thần và tro bụi do núi lửa đang gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng chục nghìn người tại Tonga.
"Việc đảm bảo tiếp cận với nguồn nước uống an toàn là ưu tiên quan trọng trước mắt vì nguy cơ mắc các bệnh như tả và tiêu chảy đang gia tăng", Katie Greenwood, thành viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết.
Điện thủ đô của Tonga và các nơi khác vẫn chưa ổn định. "Đã có điện trở lại, nhưng vẫn chập chờn. Điều này là do nhiều tro bụi bám trên máy biến áp, trong khi đèn đường cũng bị hư hỏng. Một số lần mất điện kéo dài hàng giờ, thậm chí hàng ngày", Kupu cho biết thêm.
Những hình ảnh đầu tiên về Tonga sau thảm họa cho thấy, hàng loạt ngôi nhà bị phá hủy, cây cối đổ nát, phương tiện bị hư hại và tro bụi phủ kín các hòn đảo.
Trên khắp thủ đô và các hòn đảo khác của Tonga, người dân vẫn đang rà soát những đống đổ nát và tro bụi khi bắt đầu tái thiết cuộc sống về lâu dài. Một chuyến bay viện trợ từ New Zealand mang theo hàng cứu trợ nhân đạo đã đến Tonga.
Một máy bay C-130 Hercules của Không quân Hoàng gia New Zealand đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Fua'amotu, sau khi lớp tro núi lửa cuối cùng đã được dọn sạch khỏi đường băng ở Tonga. Một máy bay vận tải quân sự Globemaster của Australia cũng tới quốc đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc cho biết sẽ gửi nguồn viện trợ nước, thực phẩm và thiết bị cứu trợ thảm họa tới Tonga. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cũng dự kiến mở chiến dịch cứu trợ Tonga bằng các chuyến bay tiếp tế.