Chuyên gia: Covid-19 ở Mỹ khó kiểm soát, mỗi ngày có thể 100.000 người mắc
(Dân trí) - Ngay cả khi các bang ngừng mở cửa, làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ có thể vẫn rất khó kiểm soát và số người mắc Covid-19 có thể lên 100.000 ca/ngày, các chuyên gia cảnh báo.
Đợt bùng phát khó kiểm soát
Ít nhất 16 bang của Mỹ đã ngừng mở cửa để đối phó dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, đợt bùng phát này sẽ rất khó kiểm soát.
"Điều mà chúng ta hy vọng là có thể làm chậm đà lây lan Covid-19 ở các bang này. Tuy nhiên, tôi cho rằng rõ ràng dịch đang ở thời điểm không dễ để kiểm soát", Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định.
Hiện tại, ngay cả khi các bang ngừng mở cửa, áp đặt trở lại một số biện pháp như đóng cửa nhà hàng, quán bar, cũng không thể đảm bảo làm chậm đà lây lan của Covid-19. "Chỉ đóng cửa quán bar hoặc khoảng 50% nhà hàng, khuyến khích người dân đeo khẩu trang và chỉ bắt buộc trong một số trường hợp. Bằng chứng nào có thể đảm bảo rằng các biện pháp đó sẽ hiệu quả", Peter Hotez, trưởng khoa tại Đại học Dược Baylor, nói.
Trong khi số ca mắc mới có xu hướng tăng tại ít nhất 36 bang của Mỹ, chỉ 2 bang ghi nhận xu hướng giảm. Các chuyên gia từ lâu cảnh báo rằng một số bang mở cửa quá sớm, quá vội vàng và thiếu thận trọng có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại.
Mỗi ngày có thể có 100.000 người mắc Covid-19
Chung quan điểm về sự nguy hiểm của đợt bùng phát Covid-19 mới tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nhận định trong phiên điều trần ngày 30/6 trước một ủy ban của Thượng viện rằng: "Rõ ràng hiện tại chúng ta chưa thể kiểm soát hoàn toàn. Tôi rất quan ngại bởi vì dịch bênh có thể diễn biến rất tồi tệ".
Ông Fauci cảnh báo, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ có thể lên 100.000 ca/ngày nếu cả nước Mỹ không nỗ lực để ngăn chặn đợt bùng phát mới. "Chúng ta không thể chỉ tập trung vào một số khu vực bùng phát mạnh. Covid-19 đe dọa toàn bộ nước Mỹ", ông Fauci nói.
Ông Fauci cũng tỏ ra "lạc quan thận trọng" về dự đoán Mỹ sẽ có loại vắc xin hiệu quả để ngăn ngừa Covid-19 vào năm tới. "Hy vọng chúng ta sẽ có vắc xin vào đầu năm tới", chuyên gia Fauci nói.
Châu Âu loại Mỹ khỏi danh sách các nước an toàn
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh, Mỹ đã không có tên trong danh sách các nước được coi là "an toàn" mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra. EU hôm qua đã thông qua danh sách ban đầu các nước an toàn được phép nối lại hoạt động đi lại với khối này từ ngày 1/7.
Danh sách trên gồm 14 nước là Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Marocco, New Zealand, Ruwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.
Riêng Trung Quốc, việc nối lại hoạt động đi lại sẽ đi kèm một số điều kiện. Danh sách trên được đưa ra khi một số nước châu Âu rậm rịch mở cửa biên giới trở lại bất chấp cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tăng tốc trên toàn cầu.
Theo số liệu của Worldometers, tính đến ngày 30/6, thế giới ghi nhận hơn 10,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 513.000 người đã tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận hơn 161.000 ca mắc mới và gần 5.000 ca tử vong.
Mỹ tiếp tục là nước có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới với hơn 2,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 130.000 người đã tử vong.
Brazil là tâm dịch lớn thứ hai với hơn 1,4 triệu ca mắc, trong đó gần 60.000 người đã tử vong. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm qua đã ký sắc lệnh tăng mức hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tại tâm dịch lớn thứ 4 thế giới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và các biện pháp dịch tễ khác nhằm ngăn dịch lây lan khi số ca mắc mới Covid-19 của Ấn Độ lên xấp xỉ 20.000 ca/ngày.
Minh Phương
Theo Straits Times, Reuters