1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia cảnh báo mối nguy lớn từ cuộc chạy đua "robot sát thủ"

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chạy đua vũ trang chế tạo các hệ thống vũ khí tự động, còn gọi là "những robot sát thủ" của các cường quốc, có nguy cơ xóa sổ nhân loại nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Robot_Hải quân Mỹ

Một "robot sát thủ" của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Cảnh báo về "ngày tận thế" được đưa ra sau khi tại một cuộc họp ở Genava, Thụy Sĩ hồi tuần trước, các thành viên Công ước Liên hợp quốc về Vũ khí Thông thường vẫn bất đồng về một lệnh cấm đối với những robot sát thủ kiểu như "những kẻ hủy diệt".

Các cường quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để tạo ra vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến để có thể săn và tấn công mục tiêu mà không cần đầu tư bộ điều khiển từ xa.

Năm ngoái, thế giới từng chấn động khi một máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ Kargu-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có gắn thuốc nổ bị cáo buộc tự động bất ngờ thực hiện một vụ giết người đầu tiên mà không có lệnh của con người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong một vụ giao tranh tại Libya hồi tháng 3/2020, các binh sĩ phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đối lập trong quá trình rút lui đã bị UAV Kargu-2 của lực lượng Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) tấn công khi nó hoạt động ở chế độ tự động "hiệu quả cao", tức là không có sự can thiệp hay mệnh lệnh của người điều khiển.

Thực tế này khiến các chuyên gia cảnh báo rằng, công nghệ quân sự đang phát triển quá nhanh trong khi các nước đã không xem xét đúng mức những mối nguy hiểm ngay trước mắt. Họ cảnh báo, việc để máy móc tự đưa ra quyết định dễ gây ra những sai lầm không thể đoán trước và gây hậu quả khó lường.

Theo đó, mối lo phát sinh từ các mã được gọi là thuật toán mà ngay cả các lập trình viên giỏi nhất cũng không phải lúc nào cũng hiểu chúng. Nếu vũ khí AI trong tương lai được trang bị đầu đạn sinh học, hóa học hoặc thậm chí hạt nhân, hệ quả sẽ thật khủng khiếp.

"Đó là một thế giới mà không thể tránh khỏi lỗi thuật toán, mà ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Google hiện nay vẫn mắc phải, có nguy cơ dẫn đến việc xóa sổ toàn bộ thành phố", giáo sư James Dawes của Đại học Macalester cảnh báo. "Thế giới không nên lặp lại những sai lầm thảm khốc của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân".

Giáo sư Max Tegmark thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng cảnh báo viễn cảnh thảm khốc tương tự trong tuần này. "Công nghệ quân sự đang phát triển nhanh hơn nhiều so với cuộc thảo luận về quân sự-chính trị", ông nói. "Và mặc định, chúng tôi đang tính đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra".

Quyết định sinh tử

Đã có một loạt vũ khí AI đáng sợ được triển khai trên khắp thế giới.

Mỹ đi tiên phong trong lĩnh vực chế tạo robot quân sự hiện đại, trong đó có nhiều robot sát thủ như "Wildcat", với tính năng đuổi bắt và vô hiệu hóa kẻ thù đang tẩu thoát.

Ít nhất 14 quốc gia có UAV cảm tử, bao gồm cả cái tên Harop của Israel, được sử dụng để săn lùng những chiến binh Hamas ở Dải Gaza. Harops được cho là cũng từng gây ra nỗi sợ hãi cho quân đội Armenia trong cuộc đụng độ với Azerbaijan vào năm ngoái, mặc dù không rõ liệu chúng tự động hành động hay có sự tham gia của con người.

Chuyên gia cảnh báo mối nguy lớn từ cuộc chạy đua robot sát thủ - 2

UAV cảm tử Harop của Israel (Ảnh: ANI).

Nga có máy bay chiến đấu tàng hình Checkmate thế hệ mới, kết hợp hệ thống AI với một phi công duy nhất. Các nhà thiết kế cho biết trong tương lai có thể sẽ có một phiên bản không cần phi công.

Từ hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển tàu ngầm robot không người lái có thể nhận dạng, bám đuôi và tấn công tàu ngầm địch mà không cần mệnh lệnh của con người. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã trình làng một UAV chống tàu ngầm...

Các chuyên gia cho rằng, quân đội các cường quốc đang ảo tưởng nếu tin rằng có thể kiểm soát được các loại vũ khí mới tiên tiến này.

Theo giáo sư Tegmark, khi quân đội các nước phát triển thành công robot sát thủ trên chiến trường, các cá nhân, tổ chức dân sự rồi sẽ có thể tiếp cận loại khí tài này, giống như nhiều loại vũ khí quân dụng khác.

Và khi các robot sát thủ nhỏ, gọn, rẻ, các băng đảng tội phạm như mafia ở Mexico có thể được sử dụng gây ra làn sóng đổ máu mới đáng sợ. Giáo sư Tegmark nói với The Sun: "Nếu có thể mua được những robot sát thủ đó với giá tương đương với một khẩu AK-47, đó sẽ là cơ hội lớn đối với các băng đảng buôn ma túy, bởi vì khi đó kẻ giết người sẽ không bị bắt khi giết ai đó".

Thế giới có nguy cơ bùng nổ chiến tranh nhiều hơn trong tương lai, vì việc sử dụng robot đồng nghĩa sẽ không cần nhiều binh sĩ và giảm thiệt hại về nhân mạng. Vì vậy ông Tegmark kêu gọi, các chính phủ cần vào cuộc ngay trước khi viễn cảnh hỗn loạn này thành hiện thực.

Liên hợp quốc dự kiến triệu tập cuộc họp khác bàn về robot sát thủ này và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận liên quan, trong bối cảnh có nhiều lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc cho thấy có lẽ đã quá muộn để ngăn chặn sự trỗi dậy của những vũ khí tự động này.