1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Anh: Trung Quốc đang lặng lẽ tuân thủ phán quyết về Biển Đông

(Dân trí) - Mặc dù Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái giận dữ nói rằng phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines là một “mớ giấy lộn” nhưng trên thực tế Bắc Kinh đang lặng lẽ tuân thủ phán quyết này, một chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Anh nhận định.


Chuyên gia Bill Hayton (phải) và Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (Ảnh: An Bình)

Chuyên gia Bill Hayton (phải) và Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (Ảnh: An Bình)

Ông Bill Hayton, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) và là tác giả của cuốn sách “Biển Đông: Cạnh tranh quyền lực ở châu Á”, đã chia sẻ nhận định trên trong buổi nói chuyện về Biển Đông tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội ngày 23/5.

“Trung Quốc từng tuyên bố coi phán quyết của tòa trọng tài là một mớ giấy lộn và sẽ phớt lờ nó. Nhưng các bạn có thể thấy trên thực tế Bắc Kinh cơ bản tuân thủ phán quyết. Điển hình là việc Trung Quốc đã cho phép các ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough”, ông Hayton nói.

Trước đó, vào tháng 7/2016, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã đưa ra phán quyết dài gần 500 trang về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên Biển Đông.

Tuy nhiên, chuyên gia Hayton cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không ngừng bồi đắp và xây dựng từng thực thể chiếm đóng ở Biển Đông cho tới khi hoàn thành và đây là mục tiêu lâu dài của Trung Quốc. Và Bắc Kinh đã tìm ra cớ cho hành động quân sự hóa Biển Đông.

Trung Quốc lấy cớ để quân sự hóa

“Tôi đã gặp một phái đoàn Trung Quốc tới thăm London gần đây và họ nói rõ ràng lập trường của Bắc Kinh là có một sự mặc cả ngấm ngầm ở đây: nếu Mỹ để yên cho họ ở Trường Sa thì họ sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải như họ đã làm và Trung Quốc sẽ dùng nó làm cớ để quân sự hóa”, ông Hayton nói.

Theo chuyên gia Anh, Trung Quốc đang đợi cho các đường băng hoàn thành trên các đảo nhân tạo và đưa nhiên liệu và các kho chứa, sau đó sẽ triển khai các máy bay chiến đấu tới các đảo này. Nhưng Bắc Kinh dường như vẫn muốn chờ đợi một cách thức để bao biện rằng việc triển khai này là một biện pháp đối phó với Mỹ, thay vì một quyết định đơn phương của Trung Quốc.

Ông Hayton cũng nhận thấy chính quyền mới của Mỹ cho tới nay chưa có động thái quyết liệt về vấn đề Biển Đông như chính quyền Obama, dù ông Trump từng chỉ trích người tiền nhiệm không thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Hayton, đây mới là giai đoạn đầu của chính quyền mới và Bộ Ngoại giao Mỹ có thể chưa có những nhân sự nắm rõ về tình hình Biển Đông, hoặc do ông Trump muốn ưu tiên cho thương mại hay tập trung vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia Anh nhận thấy quân đội Mỹ và những tiếng nói có trọng lượng trong vấn đề Biển Đông như Thượng nghị sĩ John McCain đang gây sức ép để ông Trump tiếp tục chính sách của chính quyền Obama.

“Tôi nghĩ các lợi ích cơ bản của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận tự do hàng hải, vì thế tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ ngừng các chiến dịch tự do hàng hải. Mỹ chắc chắn không muốn nhìn thấy các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ không có đường tiếp cận, vì thế sẽ có những tiếng nói và áp lực khác nhau trong nội bộ Mỹ để duy trì chính sách hiện thời”, ông Hayton dự báo.

An Bình