Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông
(Dân trí) - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, ngày 17/5 khẳng định quân đội Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
“Tôi tin tưởng và ủng hộ việc Mỹ cũng như các bạn bè, đồng minh và đối tác của chúng ta tiếp tục thực thi quyền của mình theo luật pháp quốc tế. Chúng ta nên tiếp tục đưa máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”, Japan Times dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, phát biểu với một viện nghiên cứu hôm 17/5 vừa qua.
Tuyên bố của Đô đốc Harris được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái quyết liệt nhằm thực hiện yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông, bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép - nơi Đô đốc Harris từng chỉ trích là “vạn lý trường thành bằng cát” của Bắc Kinh tại vùng biển này. Ngoài việc lên tiếng phản đối các động thái bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông, bất chấp sự chỉ trích của Bắc Kinh.
Cùng ngày, Đô đốc Harris đã tới thăm một trạm radar của Nhật Bản trên đảo Yonaguni, nơi cách quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông khoảng 150 km về phía nam. Quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là khu vực tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh từ nhiều năm qua.
Đi cùng với Đô đốc Harris tới thăm trạm radar trên đảo Yonaguni lần này là Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Đô đốc Harris và Đô đốc Kawano tới thăm Yonaguni, một đảo nhỏ nằm ở cực nam của quần đảo Ryukyu, Nhật Bản.
Trước đó, việc Nhật Bản bố trí và đưa vào hoạt động trạm radar trên đảo Yonaguni, khu vực ven biển Hoa Đông, hồi năm 2016 đã khiến Trung Quốc nổi giận. Trạm radar này được cho là có nhiệm vụ thu thập các thông tin tình báo ở khu vực tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu và máy bay tới gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản để khẳng định chủ quyền và “nắn gân” Tokyo.
Thành Đạt
Theo Japan Times