Chủ tịch Ủy ban châu Âu chỉ trích Trung Quốc ngay sau chuyến thăm của ông Tập
(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ trích về cái mà ông gọi là các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi ông Tập Cận Bình có chuyến thăm châu Âu nhằm tăng cường quan hệ kinh tế.
Chủ tịch Jean-Claude Juncker cho biết, ông đã trực tiếp nêu ra vấn đề trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26/3 tại Paris, cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, CNN đưa tin.
Phát biểu trước các nghị sĩ tại bang Saarland, Đức ngày 1/4, ông Junker cho biết ông đã nói với ông Tập rằng “các công ty Trung Quốc đã được tiếp cận tự do đối với các thị trường của chúng tôi tại châu Âu, nhưng chúng tôi vẫn không được tiếp cận các thị trường tại Trung Quốc”.
Ông Junker nói thêm, “có những giới hạn được thiết lập đối với chúng tôi (châu Âu), trong khi ở đây chúng tôi không thiết lập giới hạn nào đối với các nhà đầu tư Trung Quốc”.
Các bình luận của ông Jucker đã phần nào cho thấy sự chia rẽ trong mội bộ Liên minh châu Âu về cách thức xử lý với thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.
Trước chuyến thăm của ông Tập tới châu Âu, đã có những thông tin nói rằng Bắc Kinh cố gắng tìm cách chia rẽ khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên để phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Trước cuộc gặp hôm 26/3 mà ông Junker đề cập trên, Italy đã trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc. Italy cũng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới cho tới nay và cũng là thành viên đầu tiên của khối G7 tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai, con đường” của Trung Quốc nhằm xây dựng các tuyến đường trên bộ và trên biển để thiết lập các hành lang thương mại kết nối Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á.
Ông Junker cho biết ông không phản đối “Vành đai, Con đường” nhưng nhấn mạnh rằng nó không thể chỉ mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc. “Nếu không chỉ các lao động Trung Quốc xuất hiện tại các công trình xây dựng này, mà các lao động châu Âu cũng được tuyển dụng tại đó, thì như thế mới hoạt động được”.
Châu Âu không chỉ bất đồng về cách thức làm ăn với Trung Quốc. Liên minh này cũng cho biết, mỗi quốc gia thành viên có thể tự quyết định có sử dụng công nghệ từ hãng viễn thông Huawei cho các mạng lưới 5G hay không, bất chấp việc Mỹ hối thúc EU đưa ra lệnh cấm sử dụng công nghệ từ Trung Quốc trên toàn châu lục.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Mỹ.
An Bình