1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu "thức tỉnh" trước những tham vọng siêu cường của Trung Quốc

(Dân trí) - Châu Âu đã có lập trường cứng rắn và đoàn kết hơn đối với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khối, trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về các tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Châu Âu thức tỉnh trước những tham vọng siêu cường của Trung Quốc - 1

(Ảnh minh họa: SCMP)

Châu Âu cứng rắn và đoàn kết hơn

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu ngày 22/3, Trung Quốc đã gửi đi một tín hiệu lớn rằng nước này muốn cải thiện quan hệ với khối liên minh gồm 28 thành viên. Nhân dịp này, Bắc Kinh đã lên kế hoạch tổ chức Thượng đỉnh EU-châu Âu trước một hội nghị khác giữa Trung Quốc và 16 quốc gia ở trung và đông Âu, được gọi là 16+1.

Các nhà quan sát và các nguồn tin ngoại cho hay động thái trên cho thấy Bắc Kinh đã ý thức được việc EU lo ngại sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu lục này và các chiêu bài mà một số người khẳng định là nhằm chia rẽ khối. Sự lo ngại đó đã dẫn tới một cách tiếp cận cứng rắn và đoàn kết hơn của châu Âu đối với Trung Quốc và điều đó đã dẫn tới việc Brussels hồi tuần trước lần đầu gọi Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống”.

Ông Tập sẽ tận dụng chuyến thăm châu Âu - với các điểm dừng chân tại Italy, Pháp và Monaco - để cố gắng giảm bớt các lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa với EU, một sứ mệnh ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn với Bắc Kinh rong bối cảnh nước này lâm vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Công khai bày tỏ lo ngại 

Sự bất bình của EU đối với Trung Quốc đã xuất hiện sau cuộc gặp 16+1 tại Sofia, Bulgaria năm ngoái. Cuộc gặp diễn ra trước Thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh, ám chỉ với Brussels rằng Bắc Kinh đang chú trọng tới các quốc gia này hơn thay vì EU.

Cui Hongjian, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng mặc dù thứ tự hội nghị thượng đỉnh năm ngoái không nhằm thể hiện thông điệp chính trị, nhưng Trung Quốc đã để EU lựa chọn thời gian cho hội nghị năm nay. EU phản hồi chậm, nhưng cuối cùng hai bên đã thống nhất được ngày.

Các thành viên của EU đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng lái các quốc gia ở trung và đông Âu nghiêng về phía mình bằng các cam kết đầu tư và cơ sở hạ tầng, cố gắng làm họ cảm thấy có khuynh hướng không ủng hộ EU về các vấn đề như các biện pháp thương mại của Trung Quốc hay nhân quyền.

Lucrezia Poggetti, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, cho hay việc Thượng đỉnh EU-Trung Quốc được tổ chức trước cuộc gặp 16+1 là một điểm cộng cho Brussels. “Điều này sẽ cho phép EU có thể cân bằng giọng điệu cho các cuộc thảo luận, và để thông điệp của họ được truyền tải khắp châu Âu, trước khi hội nghị 16+1 diễn ra tại Croatia”, bà nói.

Theo bà Poggetti, các chiến thuật gần đây của Trung Quốc tại EU “cần được đặt trong bối cảnh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang được đàm phán. Bắc Kinh ý thức được lập trường cứng rắn hơn tại châu Âu, và ít nhất là ở bề nổi họ muốn làm những điều này một cách thân thiện và hợp tác hơn. Trung Quốc cần các đối tác”, bà nói.

Bà Poggetti cho hay, Trung Quốc chắc chắn sẽ bị gây sức ép để giải tỏa các lo ngại của châu Âu về một loạt các vấn đề, trong đó có những mối đe dọa được cho là xuất phát từ các công ty viễn thông của Trung Quốc. Các lo ngại về Trung Quốc đã được nêu rõ trong tài liệu 16 trang có tựa đề “EU-Trung Quốc: một tầm nhìn chiến lược”. Báo cáo đã chỉ ra 10 điểm mà EU sẽ hành động trong quan hệ với Bắc Kinh.

Frans-Paul van der Putten, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael ở La Hay (Hà Lan), nói rằng tài liệu trên nhằm giúp các quốc gia thành viên EU đối phó với một Trung Quốc đang mạnh lên.

Quan hệ tay ba

Trong bối cảnh Trung Quốc đang lâm vào cuộc xung đột thương mại kéo dài với Mỹ, Bắc Kinh lo ngại rằng các nền kinh tế phương Tây có thể liên minh để chống lại Trung Quốc trong các yêu cầu về tiếp cận thị trường và chấm dứt các bảo hộ kinh tế, cùng các vấn đề khác.

Ngay trước khi Mỹ áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi châu Âu hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ cấu trúc kinh tế toàn cầu và “không đâm sau lưng Trung Quốc” - cho thấy Bắc Kinh lo ngại việc Brussels có thể liên minh với Washington.

Washington cũng hối thúc các nước châu Âu cấm hãng viễn thông Huawei tham gia các mạng viễn thông thế hệ mới và bày tỏ lo ngại về ý định của Italy nhằm tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, một chương trình cơ sở hạ tầng lớn nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi.

Nhưng cũng có những lo ngại giữa EU và Mỹ. Mối quan hệ tay 3 giữa Trung Quốc, EU và Mỹ đã khiến tất cả các bên giấu quân bài của mình, sợ rằng một thỏa thuận giữa 2 bên có thể ảnh hưởng tới bên thứ 3.

“Trong khi Bắc Kinh lo ngại về sức ép đoàn kết từ Mỹ và EU, châu Âu lo ngại về một sự hòa thuận bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Đây có thể trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất của châu Âu”, Klaus Larres, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Carolina, nói.

Trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đã phát động một chiến dịch tấn công quyến rũ, kêu gọi châu Âu hãy giữ quan điểm độc lập. Họ cũng khẳng định rằng Trung Quốc không cố gắng gây chia rẽ khối thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng ở trung và đông Âu.

Hồi đầu tuần này, ông Vương Nghị đã cố gắng trấn an đại diện cấp cao của EU về quan hệ ngoại giao, bà Federica Mogherini, rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên trong năm nay cho thấy “Trung Quốc rất coi trọng châu Âu”.

 Nhưng bà Mogherini đáp: “Sẽ là ngây thơ nếu giấu giếm rằng chúng ta có những khác biệt trong các cách thức điều hành hệ thống chính trị và quản lý”.

Những lời hứa suông

Cũng có sự bất đồng trong nhóm 16+1. Các lời hứa của Bắc Kinh nhằm đưa những khoản đầu tư lớn tới khu vực đã khiến các thành viên rất mong chờ, Jakub Jakobowski, từ Trung tâm nghiên cứu phương Đông tại Warsaw, Ba Lan, nhận định.

“Trong nhiều năm, Trung Quốc không thành thật với những lời hứa của họ. Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ mang đến một số kết quả cụ thể”, ông nói.

Các khoản đầu tư tại Trung Quốc ở đông Âu trong năm 2018 đã giảm 40% so với một năm trước đó, chỉ chiếm 1,5% tổng đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu, giảm một nửa so với năm 2016.

Nhìn chung, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu đã giảm mạnh trong những năm gần đây, do các biện pháp kiểm soát đầu tư chặt chẽ hơn tại châu Âu cũng như sự thắt chặt thanh khoản ở Trung Quốc.

Joerg Wuttke, cựu chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, nói EU muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc, nhưng ngày càng cảm thấy cần có hành động mạnh mẽ hơn để nêu bật lo ngại của mình.

 

“EU không có lợi ích gì trong quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc, nhưng nếu khối này không hành động để bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc cạnh tranh không công bằng tại thị trường EU, thì các công dân EU có thể đòi được bảo hộ nhiều hơn. Trong quan hệ với Trung Quốc, EU ngày càng thực tế và đã hết ngây thơ”, chuyên gia trên nói.

Các quốc gia ở trung và đông Âu cũng bắt đầu có các tiếp cận “châu Âu trước tiên” hơn đối với Trung Quốc, và đã tìm thấy nền tảng chung với Brussels trong các lĩnh vực, từ cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng và đầu tư, tới các yêu cầu tiếp cận lớn hơn đối với thị trường Trung Quốc.

“Có một sự thống nhất giữ điều Bruessel mong muốn và điều khối 16+1 mong muốn, và kết quả là chúng tôi nhìn thấy sự nhấn mạnh hơn đối với cách tiếp cận phổ biến của EU trong khối 16+1”, ông Jakobowski nói.

Về tuyên bố chung tại Thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Bắc Kinh muốn tuyên bố nhấn mạnh các giá trị của chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, nhưng EU được cho là sẽ yêu cầu các tiến bộ cụ thể từ Trung Quốc, ít nhất là về xung đột thương mại.

An Bình

Theo SCMP