1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chủ tịch Pfizer: Cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong một năm nữa

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch hãng dược Pfizer dự đoán thời điểm cuộc sống sẽ trở về bình thường dù nguy cơ xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới vẫn còn.

Chủ tịch Pfizer: Cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong một năm nữa - 1

Chủ tịch hãng dược Pfizer Albert Bourla (Ảnh: The Hill).

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng dược Pfizer Albert Bourla ngày 26/9 dự đoán cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm tới, dù các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện.

"Tôi đồng ý rằng trong một năm tới, chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là các biến chủng mới không xuất hiện nữa và nó cũng không có nghĩa là chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống mà không tiêm chủng", ông Bourla nói với ABC News.

Nhận định của ông Bourla khá tương đồng với phát biểu hồi tuần trước của giám đốc điều hành Moderna Stéphane Bancel, người dự đoán rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc "trong một năm tới" do năng lực sản xuất vắc xin của thế giới khi đó sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng toàn cầu.

Ông Bancel dự đoán vào thời điểm đó, những người chưa tiêm chủng có thể "miễn dịch một cách tự nhiên" vì Delta là biến chủng dễ lây lan, nhưng nhấn mạnh rủi ro những người này có thể bị bệnh nặng và phải nhập viện.

Trong khi đó, ông Bourla hôm 26/9 nói rằng, ông tin rằng mọi người sẽ cần phải tiêm vắc xin Covid-19 định kỳ hàng năm để chống lại biến chủng lây lan trên thế giới.

"Vì virus lây lan khắp thế giới, nên kịch bản dễ xảy ra nhất theo quan điểm của tôi là chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với các biến chủng, và chúng ta sẽ có các loại vắc xin có khả năng bảo vệ ít nhất một năm. Tôi nghĩ kịch bản dễ xảy ra nhất là tiêm chủng hàng năm. Nhưng chúng ta chưa thể chắc chắn về viễn cảnh đó. Chúng ta cần phải chờ và theo dõi dữ liệu", ông Bourla nhận định.

Bình luận của Chủ tịch Pfizer đến trong bối cảnh Mỹ đã phê duyệt tiêm mũi tăng cường cho nhóm những người có nguy cơ cao trở bệnh nặng khi mắc Covid-19 và nhóm người cao tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mạnh mẽ phản đối việc tiêm mũi tăng cường đại trà và tràn lan, khuyến nghị các nước giàu hơn nên chia sẻ những mũi tiêm này cho các nước nghèo và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.