1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch hội Séc-Việt lên tiếng bảo vệ người lao động Việt Nam

Hiện tại có gần 6.000 công nhân Việt Nam đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp của Séc và những người sử dụng lao động rất hài lòng, muốn tiếp nhận thêm nữa lao động từ Việt Nam.

Ông Winter trong cuộc họp báo về nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam tại Séc (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)
Ông Winter trong cuộc họp báo về nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam tại Séc (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Tối 9/2, trong chương trình tranh luận trên kênh truyền hình CT1 của Séc, Chủ tịch Hội Séc-Việt Marcel Winter đã phê phán lập luận của những người phản đối Séc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có công nhân Việt Nam.

Phát biểu trong cuộc tranh luận, ông Winter đã đứng về phía Liên đoàn các chủ sử dụng lao động để phản bác Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Séc và Morava (CMKOS) Josef Stredula, người có thái độ kỳ thị công nhân nước ngoài.

Ông Winer cho biết việc thiếu hụt hơn 140.000 công nhân đe dọa sự tồn tại của nhiều công ty, nhà máy ở Séc và gây thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế đất nước. Sự tăng trưởng kinh tế của Cộng hòa Séc chậm lại cũng một phần do thiếu nhân lực, khi các nhà sản xuất và xuất khẩu của Séc không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của đối tác, buộc họ phải chuyển đơn hàng sang các nước láng giềng.

Thậm chí, một số xí nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản do thiếu công nhân. Trong 27 năm qua Séc đã không thành công trong việc tái đào tạo nghề cho người thất nghiệp.

Séc rất cần lao động nước ngoài, nhưng phần lớn lại không tha thiết đến Séc. Trong khi đó, nhiều công nhân Việt Nam có nguyện vọng sang Séc làm việc. Các chủ doanh nghiệp Séc đã có kinh nghiệm cộng tác với công nhân Việt Nam từ thời Tiệp Khắc. Công nhân Việt Nam rất cần cù khéo tay và sẵn sàng làm mọi việc, không đòi hỏi quá cao về điều kiện vật chất cũng như lương bổng.

Hiện tại có gần 6.000 công nhân Việt Nam đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp của Séc và những người sử dụng lao động rất hài lòng, muốn tiếp nhận thêm nữa lao động từ Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất là những người Việt Nam có nguyện vọng sang Séc làm việc không thể nhận được thị thực nhập cảnh, bởi cánh cửa vào thị trường lao động Séc chỉ mở ra những khe rất hẹp cho công nhân Việt Nam.

Phát biểu trong cuộc tranh luận, ông Josef Stredula kiên quyết phản đối chính sách mở rộng cửa cho người nước ngoài. Ông này cho rằng nhân công nhập cư tước đi cơ hội làm việc của người Séc.

Cuộc tranh luận trên truyền hình về vấn đề công nhân nước ngoài diễn ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Séc quyết định tiếp nhận lao động có tay nghề từ Ukraine vượt hạn ngạch 5.000 người đã được thông qua trước đây. Bộ trưởng Công Thương Jan Mládek cho biết với mức tiếp nhận công nhân Ukraine như hiện nay thì chỉ trong vòng ba tháng tới, hạn ngạch cũ sẽ bị "chạm trần."

Để đẩy nhanh việc tiếp nhận lao động Ukraine, Chính phủ Séc đã quyết định tăng số lượng nhân viên lãnh sự tại thành phố Lvov và nhân viên Bộ Nội vụ chuyên kiểm tra hồ sơ công dân Ukraine có nguyện vọng sang làm việc tại Séc.

Tuy nhiên, ông Winter cũng như nhiều chủ doanh nghiệp Séc cho rằng nguồn nhân công từ Ukraine không thể giải quyết được sự thiếu hụt nhân lực ở nước này cũng như trong một số lĩnh vực, công nhân Ukraine không thay thế được công nhân Việt Nam./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/chu-tich-hoi-secviet-len-tieng-bao-ve-nguoi-lao-dong-viet-nam/429866.vnp