Chủ cửa hàng "khóc ròng" vì nạn cướp phá, hôi của trong biểu tình ở Mỹ
(Dân trí) - “Tôi đứng 100% về phía những người biểu tình đòi công bằng, nhưng điều này có công bằng không? Họ đang giết chết tôi”, Araujo nói sau khi cửa hàng trang sức, đồng hồ của anh bị cướp toàn bộ đồ.
Những kẻ cướp phá đã tấn công bằng các đòn bẩy và kìm cộng lực. Chúng đã phá khóa các cửa hiệu tại khu Fordham ở quận Bronx (New York) cho tới khi chúng gặp 2 cửa kính nằm cạnh nhau. Cửa bên trái là một hiệu xăm hình, bên phải là một hiệu bán nữ trang và đồng hồ.
Những kẻ tấn công đã đập vỡ cánh cửa bên phải. Bên trong, chúng tìm thấy một chiếc hộp chứa các đồng hồ bằng bạc và vàng và các máy tính cá nhân. Chúng tiếp tục đập và khiến các mảnh kính vỡ bay tứ tung, cuỗm đi những gì có thể, bỏ sót 2 chiếc đồng hồ ở phía sau. Sau đó chúng tiếp tục với lên trên và lấy xuống các khay trưng bày vòng cổ kim cương, hoa tay, vòng tay và nhẫn.
Chúng tẩu thoát lâu trước khi chủ cửa hàng, Francisco Araujo, tới nơi hôm 2/6 và phát hiện cơ sở của gia đình đã bị cướp phá. Theo ước tính của Araujo, anh thiệt hại tổng cộng khoảng 150.000 USD. Chúng chỉ để lại những thứ không có giá trị như những chiếc áo phông.
Araujo cho biết cuộc sống của anh mới dần trở lại sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên khắp New York hơn 2 tháng trước và các cửa hàng như cửa hàng, được coi là không thiết yếu, buộc phải đóng cửa. Anh đang lên kế hoạch mở lại cửa hàng vào tuần tới khi lệnh ở nhà của bang New York được dỡ bỏ. Giờ đây, Araujo không biết anh có thể mở lại bằng cách nào.
“Tôi đứng 100% về phía những người biểu tình đòi công bằng, nhưng điều này có công bằng không?”, Araujo nói với New York Times. “Họ đang giết chết tôi”.
Nạn cướp bóc, hôi của bùng phát ở New York trong các cuộc biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đã khiến nhiều cửa hiệu lớn bị thiệt hại, trong đó có cửa hàng quan trọng của hãng bán lẻ Macy trên quảng trường Herald và các cửa hiệu của hãng Nike và Coach tại khu Manhattan.
Nhưng tại quận Bronx, nhiều nạn nhân không phải các hãng bán lẻ nổi tiếng nhưng là các cửa hàng nhỏ do những người di cư hoặc các nhóm thiểu số sở hữu, vốn đã bị “rơi tự do” vì dịch Covid-19.
Quận Bronx, khu dân cư nghèo nhất của thành phố New York, với khoảng 1,4 triệu dân, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Quận này có tỷ lệ các ca mắc Covid-19, các ca nhập viện và tử vong cao nhất.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều cửa hiệu, nhà hàng, cửa hàng bị đóng cửa, làm hàng nghìn người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tại quận Bronx đã tăng từ 4,7% trong tháng 2 lên 16,5%, so với tỷ lệ chung của thành phố New York là 14,6%.
Các cuộc biểu tình bắt đầu tại quận Bronx ban đầu chủ yếu diễn ra trong hòa bình hồi đầu tuần này, nhưng ít giờ sau đó đã có các báo cáo về các vụ bắt giữ, đốt phá và hôi của.
Nạn cướp phá đã khiến hàng loạt các cửa hàng và cửa sổ bị đập vỡ, các giá hàng bị cuỗm sạch, và làm tiêu tan hi vong về sự phục hồi giữa đại dịch Covid-19 tại Grand Concourse, một trong những con phố chính ở quận Bronx. Các vụ cướp phá cũng gây thiệt hại với nhiều cửa hàng trên phố Fordham và đại lộ Burnside, 2 khu vực mua sắm đông người qua lại. Nhiều trong số các cửa hàng đã gặp rất khó khăn trước khi bị cướp phá và các chủ cửa hàng không có tiền để trả tiền thuê mặt bằng và các phí khác.
“Đây không phải là các cửa hàng lớn, mà là những cửa hàng nhỏ hầu như tự xoay xở”, nghị sĩ Victor Pichardo, một thành viên của đảng Dân chủ đại diện cho khu vực, nói. “Những kẻ hôi của đã định phá hủy một phần sống còn và rất quan trọng của Bronx”.
Pichardo cho hay, ông đã chính mắt ông đã nhìn thấy những thiệt hại trên đại lộ Burnside vào sáng ngày 2/6. “Burnside giống một vùng chiến sự. Đống đổ nát ở khắp nơi. Các đám cháy mới được dập tắt. Các cửa hàng đã bị cướp phá”. Ông đã tới đường Fordham và cảnh tượng cũng tồi tệ như vậy.
Vào tối ngày 2/6, người đứng đầu quận Bronx, Ruben Diaz, và các quan chức khác của quận này, các lãnh đạo cộng đồng và người dân đã tập trung tại một ngã tư trên đường Fordham và Grand Concourse để lên án nạn hôi của và kêu gọi người dân biểu tình hòa bình. Nhiều người trong số họ đã thu dọn các đống đổ nát và an ủi các chủ cửa hàng. Gần đó, những người biểu tình ủng hộ quyền lợi của người da màu phát đồ ăn và nước uống.
“Những gì đã xảy ra là một vụ tấn công trực tiếp nhằm vào điều mà chúng ta đang cố gắng hoàn thiện”, ông Diaz nói. “Những gì xảy ra tối qua không phải là một cuộc biểu tình, mà là phạm tội”.
Cảnh hỗn loạn và hôi của vào đêm trước đó đã khiến cảnh sát được triển khai dày đặc vào tối hôm sau và một số chủ cửa hàng phải bố trí nhân viên an ninh trước hoặc thậm trí bên trong các cửa hàng thức suốt đêm để đề phòng.
Đêm thứ Ba khá yên tĩnh tại quận Bronx, mặc dù có một số thông tin về vài vụ đột nhập ở các khu vực khác của New York. Nhưng tất cả đều quá muộn với những cửa hàng bị đột nhập vào đêm trước đó.
Những kẻ cướp phá nhắm tới các trang sức, giày dép và quần áo hàng hiệu. Tại các cửa hàng rượu vang và thuốc, chúng lấy đi các vé xổ số, nước uống, kẹo, giấy vệ sinh và nhiều thứ khác.
Tại hiệu thuốc Good Life, những kẻ cướp phá đã đập thủng cửa trước và cửa sổ của cửa hàng. Người chủ George Yirenkyi ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ đột nhập và đã vội vàng tới nơi sau khi ông quan sát qua camera an ninh của cửa hàng. “Nhưng chúng tôi không thể ngăn chặn được chúng”, Yirenkyi, 58 tuổi, một di dân từ Ghana, cho biết.
Ông Yirenkyi mở hiệu thuốc 8 năm trước và có 10 nhân viên, tất cả họ đều sống tại quận Bronx. “Tôi không thể miêu tả được - tất cả tiền đầu tư, tất cả những năm đầu tư vào đó. Hãy nghĩ tới các nhân viên, giờ đây họ không có việc làm”, ông nói.
Cách đó vài cửa hàng, Ten Chen, 39 tuổi, đã khóc khi nhớ lại cảnh cửa hiệu bán đồ uống của anh bị cướp phá. Một nhân viên đã phải trốn trong nhà vệ sinh và gọi điện cho anh, lúc đó đang ở nhà. Chen gọi tới số 911 nhưng cho biết mất rất lâu để kết nối. Camera an ninh của cửa hàng đã ghi lại cảnh hàng chục người uống rượu và đập phá các chai lọ, đập phá các kệ hàng và cướp tiền từ khu vực thu ngân.
“Chúng vào bên trong và mang đi bất cứ thứ gì chúng muốn”, Chen, một người di cư từ Trung Quốc, nói. “Chúng đã phá mọi thứ”.
Tại khu vực phía tây quận Bronx, các chủ cửa hàng và nhân viên đã thu dọn những gì còn sót trong cửa hàng của họ, giống cảnh những người sống sót trở về kiểm tra nhà cửa sau một trận lốc xoáy.
Geraldine White, 64 tuổi, một cư dân Bronx, đi bộ tới một cửa hiệu làm tóc với một tấm gỗ dán ở cửa sổ. Cô dán lên đó một thông điệp viết tay: “Mạng sống của người da màu có giá trị nhưng làm ơn đừng cướp phá”. Cạnh đó, ai đó đã án lên một tấm ảnh của George Floyd.
“Tôi dán nó ở đây để đề nghị mọi người đừng cướp phá. Họ nên biểu tình vì những lý do chính đáng”, White nói.
Araujo, một người nhập cư từ Cộng hòa Dominica, cho biết anh phải mở lại cửa hàng đồng hồ và trang sức để còn nuôi 5 người con và 9 nhân viên. Nhưng anh không biết phải bắt đầu từ đâu. “Tôi phải sửa cửa hàng và chúng tôi đang không kiếm ra tiền”, Araujo, nói.
Araujo nói anh sợ hãi vì hành động của cảnh sát, vốn làm bùng phát các cuộc biểu tình tại New York và khắp thế giới. Và anh cũng ủng hộ các cuộc biểu tình, nhưng không phải nạn cướp phá đi kèm.
“Người da màu đáng sống, nhưng người nào cũng đáng sống, thế còn cuộc sống của tôi, của gia đình tôi thì sao? Cuộc sống của gia đình tôi cũng đáng trân trọng. Bạn không thể biện minh cho một việc làm sai trái vì một điều gì đó sai trái đã xảy ra”, người đàn ông 45 tuổi nhấn mạnh.
An Bình
Theo New York Times