1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chính trường Philippines "dậy sóng" vì bê bối tổ chức Sea Games kém chuyên nghiệp

(Dân trí) - Bê bối tổ chức Sea Games 2019 một cách kém chuyên nghiệp đang gây ra mâu thuẫn trong nội bộ chính trường nước chủ nhà Philippines. Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ xem xét các cáo buộc và nếu có bất thường sẽ mở cuộc điều tra, nhấn mạnh rằng ông không dung thứ cho hành vi tham nhũng.

Chính trường Philippines dậy sóng vì bê bối tổ chức Sea Games kém chuyên nghiệp - 1

Cầu thủ Campuchia ngủ dưới sàn để chờ nhận phòng khách sạn (Ảnh: Facebook)

Một sân vận động mới sơn xong một nửa, một trung tâm truyền thông trông như là một nhà kho, những con đường kém chất lượng dẫn tới các nhà thi đấu chưa hoàn thành, các vận động viên nằm chờ hàng giờ đồng hồ để được đưa đón và một số phải ngủ trên sàn khách sạn.

Chủ đề chính của Sea Games 2019 mà Philippines lựa chọn là “Chúng ta chiến thắng như một thể thống nhất”, tuy nhiên, theo SCMP, sự kiện dự kiến khai mạc vào ngày 30/11 dường như đang khởi đầu với chủ đề mang tên: “Chúng tôi chưa sẵn sàng”.

Sự thiếu chuẩn bị thể hiện trên mọi khía cạnh từ cơ sở vật chất tới phương tiện di chuyển, chế độ ăn uống của vận động viên. Trên mạng xã hội, người Philippines tỏ ra tức giận với cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Họ thậm chí còn đẩy lên dòng hashtag có nội dung “Sea Games 2019 thất bại”.

Chính trường Philippines dậy sóng vì bê bối tổ chức Sea Games kém chuyên nghiệp - 2

Phòng họp báo của Sea Games được mô tả như một nhà kho (Ảnh: Twitter)

Sau hàng loạt các sự cố, giới chính trị Philippines đang “lục đục” nội bộ và đang quy trách nhiệm cho bên gây ra bê bối này.

Theo SCMP, việc Philippines trở thành chủ nhà Sea Games 2019 ngày từ đầu đã có vấn đề. Tháng 7/2017, chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte, bên ban đầu đã thông qua kế hoạch tổ chức giải đấu, tuyên bố rằng họ muốn dùng nguồn ngân sách để khôi phục lại Marawi, thành phố từng bị các phần tử thân IS chiếm đóng.

Trước sự không chắc chắn của Manila, Thái Lan khi đó đã tỏ ý sẵn sàng thay thế vị trí chủ nhà. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, Philippines lại đổi ý một lần nữa và vẫn quyết tổ chức giải thể thao vào năm nay.

Cuối tuần qua, sau hàng loạt những phàn nàn về khâu tổ chức, chủ tịch ủy tổ chức Sea Games 2019 của Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố rằng “họ đã hơn cả sẵn sàng để tiếp đón các đoàn thể thao với đẳng cấp thế giới nhưng chúng tôi chỉ là con người. Chúng tôi có lúc chưa hoàn hảo”.

Chỉ một ngày sau đó, ông Cayetano lại lên xin lỗi các đội tuyển vì “sự bất tiện, thiếu hiệu quả” trong việc tổ chức vì các đội đến sớm hơn dự kiến.

Vào ngày 25/11, căng thẳng nội bộ Philippines bắt đầu bùng phát khi nghị sĩ Mikee Romero đổ lỗi cho Thượng viện nước này vì đã không phê duyệt ngân sách tổ chức Sea Games đúng hạn, gây ra sự chậm trễ trong việc tổ chức.

Ông Romero cáo buộc thượng nghị sĩ đối lập Franklin Drilon là một trong những người làm chậm quá trình thông qua ngân sách, tuy nhiên, ông Drilon bác bỏ. Ông phản pháo rằng việc duyệt ngân sách bị chậm vì Hạ viện đã có những khoản “bổ sung” ngân sách một cách vi hiến.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Sotto III sau đó tiếp tục “thêm dầu vào lửa” khi cáo buộc ngân sách bị chậm duyệt vì Hạ viện nộp lên Thượng viện quá muộn.

Chính trường Philippines dậy sóng vì bê bối tổ chức Sea Games kém chuyên nghiệp - 3

Ngọn tháp đuốc gây tranh cãi trị giá gần 1 triệu USD (Ảnh: EPA)

Một trong những công trình khiến các thượng nghị sĩ băn khoăn chính là tháp đuốc trị giá gần 1 triệu USD dựng ở thành phố New Clark. Công trình này dự kiến được thắp sáng vào hôm khai mạc Sea Games, nhưng các ý kiến chỉ trích cho rằng nó quá đắt so với giá trị của một ngọn tháp đuốc. Hơn nữa, công trình này lại không đặt gần nơi tổ chức lễ khai mạc.

Ông Cayetano đã lên tiếng bảo vệ tháp đuốc, nói rằng đó là “công trình nghệ thuật” và bác bỏ cáo buộc rằng nó bị “thổi phồng giá”, nhấn mạnh công trình này rẻ hơn so với ngọn tháp mà Singapore xây năm 2015.

Hồi tháng 7, Thượng nghị sĩ Christopher Go, một đồng minh thân cận của Tổng thống Duterte, nói rằng việc làm chủ nhà Sea Games sẽ cho thấy “Philippines đã tiến bộ thế nào, đặc biệt dưới thời ông Duterte”.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng, ông Go phát biểu rằng: “Các ông không thể sửa chữa (bê bối tổ chức) chỉ bằng một lời xin lỗi. Tôi xin nhắc lại là các ông sẽ phải trả lời tổng thống và đặc biệt là người Philippines”.

Tổng thống Duterte công du ở Hàn Quốc khi các bê bối liên tiếp xảy ra. Phát ngôn viên Salvador Panelo của ông nói rằng ông Duterte “không hài lòng” khi nghe tin về công cuộc tổ chức Sea Games và sẽ chỉ đạo xem xét những cáo buộc gian dối xuất hiện tràn lan trên mặt báo chí nước này trong những ngày qua.

Ông Panelo khẳng định những bên có liên quan tới công cuộc tổ chức sẽ bị điều tra vì ông Duterte không dung thứ cho hành vi tham nhũng.

Đức Hoàng

Theo SCMP, Phil Star

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm