Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng
(Dân trí)– Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng khi ngày 3/7, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền quyết định khai trừ cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa cùng 36 hạ nghị sĩ, sau khi nhóm nghị sĩ này gửi đơn xin ra khỏi đảng để phản đối quyết định tăng thuế tiêu dùng của chính phủ.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp bất thường của ban lãnh đạo DPJ để thảo luận về việc ông Ozawa cùng 48 thành viên khác trong đảng, gồm 36 hạ nghị sĩ và 12 thượng nghị sĩ, nộp đơn xin ra khỏi đảng ngày 2/7.
Động thái này diễn ra sau khi Hạ viện Nhật Bản tuần trước đã bỏ phiếu thông qua dự luật tăng gấp đôi thuế tiêu dùng ở Nhật Bản kể từ tháng 10/2015.
Tại cuộc bỏ phiếu, 57 nghị sĩ của đảng DPJ đã bỏ phiếu chống, trong đó có cựu Chủ tịch Ozawa, người đứng đầu phe lớn nhất trong DPJ và cũng là người đã có công dẫn dắt DPJ lên nắm quyền tại Nhật Bản vào năm 2009. Hành động này của các nghị sĩ được cho là đã châm ngòi cho sự chia rẽ trong nội bộ DPJ.
Tại cuộc họp bất thường nói trên, ban lãnh đạo DPJ đã quyết định áp dụng hình phạt nặng nhất đối với 37 hạ nghị sĩ, bao gồm cả ông Ozawa, chứ không chỉ chấp nhận đơn xin ra khỏi đảng của họ.
Ngoài việc khai trừ các nghị sĩ này, ban lãnh đạo DPJ cũng quyết định tạm đình chỉ hoạt động của 19 thành viên khác, những người trước đó cũng đã bỏ phiếu chống dự luật tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nhưng không nộp đơn xin ra khỏi đảng.
Trong số 19 người này, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama bị đình chỉ hoạt động 6 tháng, 18 người còn lại bị đình chỉ 2 tháng.
“Quyền lực trong bóng tối” của DPJ
Cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa được mệnh danh là “quyền lực trong bóng tối” của đảng cầm quyền từ cuối tháng 4 vừa qua.
Trong phát biểu với báo giới ngày 2/7 sau khi cùng 49 nghị sĩ nộp đơn xin ra khỏi đảng DPJ, ông Ozawa cho biết ông đang cân nhắc việc thành lập một chính đảng mới.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây sẽ lần thứ tư ông Ozawa thành lập chính đảng kể từ năm 2009.
Mặc dù, việc ông Ozawa và 36 thành viên khác ra khỏi đảng DPJ không làm cho đảng cầm quyền mất đa số ghế tại Hạ viện Nhật Bản, song việc giải tán Quốc hội và phải tổ chức bầu cử trước thời hạn là kết cục khó tránh khỏi.
Đáng quan ngại hơn, sự ra đi của ông Ozawa và các nghị sĩ một lần nữa phơi bày tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong nội bộ DPJ, vấn đề từng khiến chính trường Nhật Bản lao đao vì liên tục thay đổi nội các.