1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trị gia Malaysia thách đố vạch tham nhũng

Chống tham nhũng đang trở thành một trận chiến nóng bỏng tại Malaysia khi các chính trị gia hàng đầu nước này đã công khai thách đố nhau chấp nhận để điều tra xem ai tham nhũng, ai trong sạch hơn ai.


Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi (trái) và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (phải) đang thách đố nhau để điều tra xem ai là người tham nhũng

Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi (trái) và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (phải) đang thách đố nhau để điều tra xem ai là người tham nhũng

Lời thách đố qua lại lẫn nhau đang liên tục vang lên từ hai phía là đương kim Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Hai chính trị gia hàng đầu này trong nhiều tuần qua đã nhiều lần chỉ trích và thách thức nhau để cơ quan điều tra tiến hành điều tra xem có tham nhũng hay không.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cáo buộc ông Ahmad Zahid Hamidi Zahid đã kiếm chác được tới 230 triệu ringgit khi đứng đầu Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất dành cho người trẻ (Umno Youth) vào những năm cuối 1990. Đáp lại, đương kim Phó thủ tướng tuyên bố sẵn sàng để Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Malaysia (MACC) điều tra với điều kiện phải tiến hành điều tra đồng thời ông Mahathir Mohamad cùng các con của vị cựu Thủ tướng này.

Tình trạng “hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại” diễn ra suốt mấy tuần khiến MACC cuối cùng cũng phải lên tiếng. Trong tuyên bố chính thức ngày 8-8, ông Azam Baki, quan chức cao cấp của MACC, nêu rõ MACC là một cơ quan hoạt động theo pháp luật và không thể tiến hành điều tra nếu chỉ dựa vào chuyện tranh cãi qua lại giữa các cá nhân như vậy và cơ quan này chỉ vào cuộc khi có bằng chứng về dấu hiệu tham nhũng.

Cho dù quan chức cấp cao MACC tuyên bố không điều tra dựa trên cơ sở là những lời thách đố lẫn nhau giữa Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, song một động thái được quan tâm là cùng ngày 8-8, Chính phủ Malaysia đã mở cuộc điều tra đối với Ngân hàng Trung ương (BNM) nước này liên quan vụ bê bối thất thoát ngoại tệ.

Điều đáng nói là vụ bê bối xảy ra từ 2 thập kỷ trước, nên kết quả cuộc điều tra có thể dẫn đến việc truy tố hình sự đối với cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người phải chịu trách nhiệm do giữ cương vị đứng đầu Chính phủ khi đó.

Theo đó, Ủy ban Điều tra Hoàng gia gồm 5 thành viên đã mở cuộc họp đầu tiên từ ngày 8-8 để điều tra xem BNM đã để thất thoát bao nhiêu trong hoạt động giao dịch ngoại hối vào những năm 1990, đồng thời xác định các dấu hiệu bao che hoạt động này. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi kết quả điều tra sơ bộ cho thấy những tổn thất lớn hơn rất nhiều so với báo cáo trước đây trước Nội các và Quốc hội.

Theo thông tin từ Ủy ban điều tra Hoàng Gia, phiên điều trần sẽ bắt đầu vào ngày 21-8 tới và sẽ trình báo cáo kết quả điều tra lên Nhà Vua Malaysia vào ngày 13-10. Ủy ban điều tra sẽ kiến nghị các hình thức xử lý đối với những người vi phạm, tuy nhiên việc quyết định có truy tố hay không sẽ do cơ quan công tố quyết định dựa trên các chứng cứ.

Chính phủ tuyên bố cuộc điều tra khách quan, đúng pháp luật nhưng các nhà lãnh đạo đối lập vẫn cho rằng cuộc điều tra này là nhằm hạ uy tín của ông Mahathir Mohamad bởi chỉ vài tháng trước đó, chính trị gia từng giữ chức Thủ tướng Malaysia trong suốt 22 năm từ 1981 đến 2003 này đã thành lập một đảng chính trị mới.

Ông Mahathir hiện đang lãnh đạo một liên minh đối lập nhằm cạnh tranh với Thủ tướng Najib Razak trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Cựu Thủ tướng Mahathir Mahamad cùng các nhà lãnh đạo đối lập trong động thái được cho là để “phản kích” lại cũng đã kêu gọi mở cuộc điều tra chính thức về vụ bê bối tham nhũng hàng tỷ USD tại Quỹ đầu tư nhà nước (1MDB) do đương kim Thủ tướng Najib Razak thành lập năm 2009. Cuộc thách đố tham nhũng vì thế đang làm nóng chính trường Malaysia khi sắp bước sang mùa tranh cử 2018.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô