1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính sách kiểm soát súng đạn của Mỹ có thể ra sao dưới chính quyền mới?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng cam kết hủy bỏ các hạn chế về súng đạn nếu trở lại Nhà Trắng.

Chính sách kiểm soát súng đạn của Mỹ có thể ra sao dưới chính quyền mới? - 1

Kho trưng bày súng đạn tại Trung tâm Theo dõi Quốc gia của ATF tại bang West Virginia (Ảnh: NYT).

Chưa đầy một tháng trước thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, hàng loạt cơ quan liên bang Mỹ đang lo lắng về tương lai của mình. Trong đó, Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ (ATF) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ sẽ là một trong những cơ quan chịu tác động.

Dưới thời Tổng thống Biden, ATF - lãnh đạo bởi ông Steven Dettelbach, người được ông Biden bổ nhiệm - đã thi hành chính sách kiểm soát súng đạn mạnh mẽ hàng đầu trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. ATF đã vận dụng các điều luật để ngăn các loại súng tự chế (còn được gọi là "súng ma") phổ biến, truy quét các thiết bị khiến vũ khí chết chóc hơn, cũng như đề ra các quy tắc với những nhà buôn súng không giấy phép tại các triển lãm hoặc qua mạng.

Những biện pháp này được các nhóm vận động kiểm soát súng đạn hoan nghênh nhưng lại bị phe Cộng hòa phản đối. Giới quan sát đánh giá ông Trump sẽ lựa chọn một chính trị gia ủng hộ quyền sở hữu súng đạn làm giám đốc ATF. Hoặc đơn giản hơn, ông sẽ bỏ trống vị trí này như một số vị tổng thống tiền nhiệm. Dù kịch bản nào xảy ra, vai trò của ATF sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Chính sách với ATF chỉ là một phần trong số những biện pháp có thể sẽ được ông Trump áp dụng nhằm đảo ngược những nỗ lực kiểm soát súng đạn của ông Biden - điều đã được ông cam kết trong quá trình tranh cử.

Cơ quan tâm điểm

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết lập tức sa thải ông Dettelbach và đảo ngược hàng loạt chính sách mà ATF áp dụng dưới thời Tổng thống Biden.

Trong đó, quy định được ông Trump đặc biệt quan tâm là các biện pháp kiểm soát nẹp ổn định súng lục. Ông Trump cũng đề cập đến việc mở rộng biện pháp kiểm tra nhân thân người mua súng tại các triển lãm sang cả các nền tảng mua bán trực tuyến.

"Dưới chính quyền Trump, tất cả các thảm họa của chính quyền cũ sẽ bị dẹp bỏ ngay trong tuần đầu tiên - thậm chí có thể là ngày đầu tiên - sau khi tôi nhậm chức", ông Trump nói với một nhóm nhà vận động vì quyền sở hữu súng trong chiến dịch tranh cử.

Theo ông Dettelbach, ATF còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn ông Trump: Đó là Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Phe Cộng hòa luôn đe dọa cắt giảm ngân sách hoạt động của ATF, khiến tương lai của tổ chức này thêm mờ mịt. Ngay từ trước bầu cử, các nghị sĩ Cộng hòa đã thành công trong nỗ lực của mình. Ngân sách của ATF - vốn chỉ ở mức khoảng 1,6 tỷ USD/năm - bị cắt giảm 47 triệu USD trong năm tài khóa năm 2024 bất chấp tình trạng lạm phát đẩy chi phí hoạt động tăng cao.

ATF cũng vấp phải những ý kiến trái chiều ngay từ nội bộ. Trong số 700 thanh tra và 2.600 nhân viên thực thi pháp luật của ATF, nhiều người có quan điểm bảo thủ, coi trọng quyền sở hữu súng và coi ông Dettelbach là người quá tự do, theo các cuộc phỏng vấn của New York Times với một số nhân sự của ATF.

Tuy vậy, ngay cả những người có cảm tình với ông Trump cũng lo ngại sự thay đổi chính sách có thể khiến ATF gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của mình - chống buôn lậu súng đạn, kiểm soát sở hữu súng và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật địa phương.

Ngay cả trong đội ngũ của ông Trump cũng có tiếng nói bày tỏ quan ngại về tương lai của ATF. Bà Pam Bondi, người được ông Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, từng làm việc với ATF với vị trí lãnh đạo cơ quan tư pháp bang Florida. Bà đã bày tỏ quan điểm mong muốn ứng viên thay thế ông Dettelbach không đặt nặng vấn đề ý thức hệ để bảo đảm các cam kết của tổ chức này.

Đội ngũ của ông Trump tiết lộ với các nhóm vận động vì quyền sở hữu súng rằng họ không nghĩ ông Trump sẽ lựa chọn giám đốc mới của ATF trước mùa xuân năm 2025. Tuy vậy, họ cũng để ngỏ khả năng ông Trump sẽ tự mình ra quyết định mà không tham vấn các trợ lý.

Những cái tên đang được xem xét bao gồm ông Blake Masters, một nhà đầu tư mạo hiểm có xu hướng bảo thủ tại Arizona; ông Peter Forcelli, cựu nhân viên ATF; ông Larry Kane, người đứng đầu một hiệp hội nhà sản xuất súng tại Mỹ; và một số quan chức hoặc cựu quan chức cấp cao của ATF như Robert Cekada, Daniel Board hay Rick Dressler.

Chính sách kiểm soát súng đạn của Mỹ có thể ra sao dưới chính quyền mới? - 2

Ông Trump tham dự một sự kiện thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) hồi năm 2022 (Nguồn: Reuters).

Ngoài vai trò của ATF, phe vận động kiểm soát súng đạn cũng có nhiều lo ngại khác. Năm 2023, ông Biden đã thành lập Văn phòng Ngăn ngừa Bạo lực Súng đạn trong Nhà Trắng để điều phối hành động giữa các cơ quan liên bang Mỹ. Dưới thời ông Trump, cơ quan này nhiều khả năng sẽ không còn tồn tại hoặc được tái cơ cấu để phục vụ mục đích bảo đảm quyền sở hữu súng đạn.

Đạo luật lưỡng đảng vì Cộng đồng An toàn hơn (BSCA) - vốn được thông qua năm 2022 - cũng được cho sẽ bị thu hẹp phạm vi qua các sắc lệnh hành pháp của ông Trump. Cụ thể, phe Cộng hòa mong muốn nới lỏng quy định đối với những người bán súng.

Ông Trump tự nhận bản thân "tin rằng mọi người Mỹ được Chúa ban cho quyền bảo vệ bản thân và gia đình", CBS News dẫn tuyên bố từ đội ngũ tranh cử của ông. "Các hành động của ông ấy đã chứng minh ông sẽ bảo vệ những người sở hữu súng hợp pháp". Hồi tháng 5, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) - tổ chức vận động về quyền súng đạn lớn nhất tại Mỹ - chính thức tuyên bố ủng hộ ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng có các động thái nới lỏng kiểm soát súng đạn. Ngay sau khi nhậm chức năm 2017, ông đã đảo ngược một quy định dưới thời Tổng thống Barack Obama khiến người mắc bệnh tâm lý khó mua súng hơn.

Sau vụ xả súng tại một trường cấp ba ở Parkland, Florida năm 2018, ông gợi ý chính quyền Mỹ nên có chính sách tăng lương cho các giáo viên sử dụng súng thành thạo, cũng như giúp họ có quyền bí mật mang súng trong trường.

Về phần mình, các nhóm vận động hạn chế súng đạn cho rằng các chính sách của chính quyền tương lai có thể gây lo ngại.

"(Ông ấy) sẽ đảo ngược những tiến triển mà chúng ta nhận thấy trong nhiều năm qua", bà Adzi Vokhiwa, Phó chủ tịch phụ trách chính sách tại nhóm vận động ngăn ngừa súng đạn Community Justice Action Fund, nói. "Đặc biệt với các cộng đồng da đen và da màu, vốn đã chịu ảnh hưởng lớn nhất từ vấn đề này".

Theo New York Times, The Trace, CBS News