1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách an ninh đối ngoại "cứng rắn" của ông Biden dần hé lộ?

Chỉ sau chưa đến 60 ngày điều hành Nhà Trắng, chính sách an ninh đối ngoại của ông Biden đã hé lộ và được coi là "cứng rắn" với các đối thủ trên các khu vực trọng điểm như Trung Đông, châu Á và châu Âu.

Trung Đông

Tại khu vực Trung Đông, ông Biden muốn tiếp tục cuộc chiến tại khu vực này vì "nhiệm vụ chống khủng bố lâu dài". Theo đó, ngày 25/2 vừa qua, ông Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích vào miền Đông Syria, nơi được cho là cơ sở của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, với lý do trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa trước đó nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq.

Chính sách an ninh đối ngoại cứng rắn của ông Biden dần hé lộ? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn quân đội Mỹ giải thích: "Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên Mỹ và liên minh quân sự. Đồng thời, chúng tôi (tức Mỹ) đã hành động một cách có chủ ý nhằm làm giảm leo thang tình hình chung ở cả miền Đông Syria và Iraq".

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đặt câu hỏi. Vì sao, ông Biden quyết định tấn công Syria, trong khi Mỹ đang điều tra về cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq vẫn chưa có kết quả? Trong một diễn biến khác, ngày 4/3, ông Biden đã quyết định dừng cuộc không kích thứ 2 vào Syria chỉ sau 30 phút trước khi nó được thực hiện theo kế hoạch.

Đối với vấn đề Iran, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, ông Biden khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị để bắt đầu đàm phán lại với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran".

Trước đó, ông Biden cũng đã hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm D. Trump "khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran" cũng như lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York, cho dù có tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng Iran bắt đầu sản xuất kim loại urani, vi phạm nội dung trong JCPOA.

Ông Biden nói rằng: "Nếu Tehram tuân thủ thỏa thuận nghiêm ngặt, tôi sẽ tham gia lại". Tuy nhiên, ông đã không chấp nhận yêu cầu của phía Iran rằng, Mỹ phải xuống thang trước bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Teheran như là điều kiện để bắt đầu thương lượng.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO, lập trường của Mỹ vẫn không thay đổi. Hãng Mehr News dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại hệ thống phòng không S-400 của Nga".

Châu Á

Đối với Trung Quốc, ông Biden dự kiến có cách tiếp cận mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm D. Trump, ông chỉ sử dụng thuế quan "khi cần thiết", nhưng ông Biden vẫn theo đuổi mục tiêu khiến Bắc Kinh phải "hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế mà họ phải tuân theo".

Bà Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, ông Biden sẽ theo đuổi một chính sách mạnh mẽ hơn với Trung Quốc mà không sợ vấp phải sự phản đối từ các chính trị gia của lưỡng đảng trong Quốc hội cũng như của các nhóm kinh doanh có nhiều lợi ích trong việc làm ăn với Trung Quốc.

Theo bà Yellen, đây cũng là một cách để gây sức ép với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về kinh tế với Mỹ trong tương lai, nhất là những biện biện pháp đối xử không công bằng, trong chuyển giao công nghệ và việc Trung Quốc trợ cấp cho các ngành công nghệ cao… Ngoài ra, vấn đề Hồng Kong, Đài Loan, sắc tộc Di Ngô Nhĩ ở Tân Cương… ông Biden vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn.

Tại Biển Đông, cách tiếp cận của ông Biden còn có phần quyết đoán hơn. Sau khi tàu khu trục USS John S. McCain tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, đã đưa ra tuyên bố lên án yêu sách chủ quyền phi lý mang tên "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đưa ra. Theo Nikei, Mỹ còn tính đến khả năng triển khai "vành đai" tên lửa để đối phó với Trung Quốc.

Với Triều Tiên, ông Biden sẽ có lập trường cứng rắn với nước này tương tự như thời ông B. Obama. Ông Biden tuyên bố sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên, nhưng không phải để theo đuổi "dự án phù phiếm", mà là một phần của chiến lược thực tế nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Đối với cuộc đảo chính ở Myanmar, tuy rất khó xử nhưng Biden vẫn thể hiện lập trường cứng rắn khi ra lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể của quân đội Myanmar. Theo đó, Mỹ đã tuyên bố trừng phạt 10 cá nhân, trong đó có 6 quan chức quân sự đương nhiệm và 4 cựu quan chức lãnh đạo cuộc đảo chính, cùng với 4 thành viên của Hội đồng hành chính Nhà nước mới thành lập và 3 doanh nghiệp của quân đội Myanmar.

Châu Âu

Đối với Nga - một đối thủ của Mỹ, ông Biden được cho là sẽ có hướng tiếp cận cứng rắn như ông từng nói trong cuộc vận động tranh cử: "Chúng ta (tức Mỹ) phải bắt Nga trả giá vì vi phạm các chuẩn mực quốc tế", khiến người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin cho rằng, họ không kỳ vọng có "điều gì tích cực" từ sự thay đổi chính quyền ở Mỹ.

Đối với Dòng chảy phương Bắc 2, vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Washington - Berlin, tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn công trình này đi vào hoạt động. Ngoại trưởng Mỹ - ông Blinken cũng khẳng định sẽ sử dụng các lệnh trừng phạt được Quốc hội Mỹ thông qua để dừng việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt này nếu cần thiết.

Với các đồng minh trong khối NATO, ông Biden sẽ đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm D. Trump và khẳng định, Mỹ tiếp tục lãnh đạo liên minh. Ông nói: "Không có chúng ta (tức Mỹ), Hiệp ước có thể sụp đổ".

Về quân sự, ông Biden đã cho ngừng kế hoạch chuyển quân đội Mỹ từ Đức và Bỉ tới Ba Lan. Theo Tướng Todd Walters, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã quyết định xem xét lại kế hoạch chuyển quân đội của cựu Tổng thống Trump. Trước đó, Mỹ dự định sẽ rút 12.000 quân khỏi Đức, đồng thời chuyển dịch trung tâm chỉ huy từ Đức sang Bỉ. Động thái trên nhằm ngăn chặn sự chia rẽ trong nội bộ NATO.

Như vậy, mặc dù chính sách đối ngoại nói chung của tân Tổng thống Mỹ J. Biden đã được dự báo có sự khác biệt so với người tiền nhiệm D. Trump nhưng ngay trong tháng thứ 2 điều hành đất nước, chính sách an ninh đối ngoại "cứng rắn" của ông Biden đã được thể hiện, khiến sự quan tâm của dư luận là có cơ sở.