Chính quyền quân sự Myanmar dọa chuyển hết tiền gửi vào ngân hàng quân đội
(Dân trí) - Chính quyền quân sự Myanmar được cho là đang gây sức ép buộc các ngân hàng thương mại tư nhân hoạt động trở lại trước nguy cơ hệ thống tài chính bị tê liệt bởi làn sóng biểu tình, đình công.
Hãng tin Nikkei Asia dẫn một chỉ thị ngày 9/3 bị rò rỉ cho biết, chính quyền quân sự Myanmar đã chỉ đạo ngân hàng trung ương nước này yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại hoạt động trở lại, nếu không sẽ bị buộc chuyển các tài khoản tiền gửi sang ngân hàng nhà nước Myanma Economic Bank (MEB) và hai ngân hàng quân đội là Inwa Bank và Myawaddy Bank.
"Nếu các ngân hàng không hoạt động trở lại, Ngân hàng trung ương Myanmar sẽ chịu bất cứ trách nhiệm nào về hậu quả có thể xảy ra", chỉ thị nêu rõ.
Ảnh chụp màn hình chỉ thị trên được lan truyền trên các mạng xã hội Myanmar từ hôm 12/3 và được lãnh đạo cấp cao một số ngân hàng tư nhân ở Myanmar xác nhận hồi đầu tuần.
Đại diện một ngân hàng cho biết, chỉ thị từ chính quyền quân sự "rất rõ ràng, nhưng việc chúng tôi có thể thể làm được gì lại là một chuyện khác". Đại diện này cho hay, việc thuyết phục nhân viên tham gia đình công đi làm trở lại "gần như không thể". KBZ, ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar với khoảng 15.000 nhân viên, 500 chi nhánh, đã bị cư dân mạng "ném đá" khi kêu gọi nhân viên đi làm trở lại.
Một đại diện ngân hàng khác nói, tất cả các ngân hàng thương mại đều lường trước được việc chính quyền quân sự sẽ hành động để buộc các ngân hàng mở cửa trở lại, song không ngờ đến kịch bản chính quyền có thể chuyển toàn bộ tài khoản tiền gửi sang ngân hàng quân đội quản lý.
Một số lãnh đạo ngân hàng cảnh báo, người dân có thể ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng hoặc các ngân hàng sẽ "tháo chạy" nếu nhận thấy nguy cơ quốc hữu hóa một phần hệ thống ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng nội địa của Myanmar có hơn 30 ngân hàng, trong đó khoảng 13 ngân hàng thuộc diện quốc doanh hoặc nhà nước sở hữu một phần. Các ngân hàng này đã bị ảnh hưởng đáng kể khi nhân viên đình công, tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Một số đại diện ngân hàng cho hay, lượng nhân viên ngân hàng đi làm chỉ chiếm khoảng 20-30%, dẫn đến việc hầu hết các chi nhánh đóng cửa mặc dù họ cố duy trì hoạt động của các máy rút tiền ATM.
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền quân sự Myanmar hôm 12/3 chỉ đạo ngân hàng trung ương nước này yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về các tài khoản và giao dịch chuyển khoản từ năm 2016 liên quan đến các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại nước này. Động thái này được cho là nhằm đối phó với chính phủ dân sự của bà Aung Suu Kyi cũng như nhằm củng cố cáo buộc nước ngoài can thiệp vào nội bộ Myanmar.
Cố vấn Nhà nước Suu Kyi - một nhà hoạt động dân chủ - đã bị quân đội Myanmar bắt giữ hôm 1/2 cùng nhiều quan chức dân sự khác. Hiện bà Suu Kyi đối mặt với 5 cáo buộc, trong đó có cáo buộc tham nhũng.