1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính quyền Donald Trump dồn dập "nắn gân" Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn liên tục cảnh báo về "mối đe dọa" từ Trung Quốc khi ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử tới gần.

Chính quyền Donald Trump dồn dập nắn gân Trung Quốc - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại hội nghị cấp cao của Viện nghiên cứu Milken ngày 10/12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết một trong những thành tựu của Tổng thống Donald Trump trong 4 năm qua là ông đã cho thấy rằng "có vấn đề lớn" với Trung Quốc.

"Tổng thống đã nhận ra rằng chúng ta có một hệ thống thương mại đi chệch hướng và cần phải thiết lập lại cả về mục tiêu cũng như nhận thức rằng, chúng ta phải đối phó với Trung Quốc như một nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới và một hệ thống rất khác biệt", ông Lighthizer nói tại hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Bình luận của Đại diện Thương mại Mỹ được đưa ra sau tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng tại hội nghị cấp cao của Viện nghiên cứu Milken, rằng "Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn nhất và là mối đe dọa chính về kinh tế và quân sự trong khu vực".

Bộ trưởng Ross cho biết trong số 539 lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp do Mỹ đưa ra, 210 lệnh nhằm vào Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng chiếm "phần đáng kể" trong số các công ty, tổ chức bị đưa vào "danh sách đen" nhằm hạn chế quyền tiếp cận với các nhà cung cấp Mỹ vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Là quan chức luôn hoài nghi về Trung Quốc, ông Robert Lighthizer cáo buộc các chính sách công nghiệp của Trung Quốc gây tổn thất không chỉ cho Mỹ mà còn cho các nền kinh tế khác trên toàn thế giới. Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục đề cập đến những hành vi bị chỉ trích của Trung Quốc, như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.

Tương tự Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có chung mối quan ngại về Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump thường chọn các biện pháp đối đầu đơn phương với Bắc Kinh và không ủng hộ các cơ quan giải quyết tranh chấp như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Thương mại Robert Lighthizer khẳng định chính quyền Trump vẫn hợp tác với các đồng minh. Ông Lighthizer cho biết trong suốt 4 năm qua, ông đã nhiều lần tham gia các cuộc gặp gỡ đa phương gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề như quy tắc thương mại của WTO.

"Tuy nhiên, Mỹ không thể cho phép các đồng minh phủ quyết những quyết định liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ", ông Lighthizer nói.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ thường xuyên triển khai các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Các biện pháp này bao gồm tăng thuế hay hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ. Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump vẫn áp lệnh trừng phạt đối với các công ty và quan chức Trung Quốc. 

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước thông báo đã dừng 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, cáo buộc đây là "công cụ tuyên truyền quyền lực mềm" của Bắc Kinh. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt 14 phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc và hạn chế thời hạn thị thực du lịch đối với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ 10 năm còn 1 tháng.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/12 cũng đưa thêm 4 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, cho rằng các doanh nghệp này thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách ông Trump xử lý các quan ngại về Trung Quốc. Ông Joe Biden, người được dự đoán là thống đắc cử Mỹ, được cho là sẽ có cách tiếp cận khác với ông Trump về vấn đề Trung Quốc.

Ông Biden cho biết ông sẽ tìm cách làm việc với các đồng minh ở cả châu Á và châu Âu để đưa ra "chiến lược chặt chẽ" về Trung Quốc. Ông cũng đối mặt với sức ép từ lưỡng đảng Mỹ trong việc cứng rắn với Trung Quốc.