1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chính quyền Biden gửi tín hiệu "rắn" tới Trung Quốc về kiểm soát vũ khí

(Dân trí) - Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thúc đẩy cam kết về các vấn đề chiến lược, trong đó có việc kiểm soát vũ khí đa phương, và sẽ tìm cách đưa Trung Quốc tham gia vào nỗ lực này.

Chính quyền Biden gửi tín hiệu rắn tới Trung Quốc về kiểm soát vũ khí - 1

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris tại Nhà Trắng ngày 21/1 (Ảnh: Reuters)

Trong một bài phát biểu ngày 4/2 tại Hội nghị về giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc tài trợ, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva Robert Wood đã kêu gọi một nỗ lực kiểm soát vũ khí mới "liên quan tới nhiều vũ khí hơn và nhiều quốc gia tham gia hơn".

"Mỹ sẽ tìm cách đưa Trung Quốc tham về kiểm soát vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro. Tôi hi vọng rằng Trung Quốc sẽ tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực đó", ông Wood, người cũng là Cao ủy của Mỹ trong Ủy ban tham vấn song phương của Hiệp ước START Mới, nói.

Mỹ và Nga ngày 3/2 đã chính thức thông báo gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí START Mới, duy trì thỏa thuận cuối cùng nhằm hạn chế việc triển khai các cuộc triển khai trong 2 vũ khí hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Gatilov, một cựu thứ trưởng ngoại giao, cũng ca ngợi việc gia hạn hiệp ước trên tại hội nghị về giải trừ quân bị.

Trong khi đó, Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar cho rằng thỏa thuận trên và cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai cường quốc thế giới là minh chứng cho "mục tiêu chung nhằm tăng cường an ninh và ổn định toàn cầu".

Còn đại diện của Argentina cho hay Hội nghị về giải trừ quân bị - vốn tồn tại trong 20 năm qua nhưng không thể khởi động các cuộc đàm phán - cần một "luồng sinh khí mới" và thỏa thuận Nga - Mỹ đã hồi sinh hy vọng rằng các cuộc đàm phán đa phương có thể được khởi động lại.

Hiệp ước START Mới được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào năm 2010, quy định mỗi nước không được phép triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, đồng thời giới hạn việc sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa và bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hiệp ước hết hạn vào ngày 5/2/2021.

Các cuộc đàm phán nhằm gia hạn START Mới không có tiến triển do dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì Mỹ muốn cả Trung Quốc tham gia vào hiệp ước. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị này. Trong khi đó, Mỹ và Nga cũng thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước.