"Chiến tuyến mới" trong cạnh tranh Mỹ - Trung
(Dân trí) - Mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại đối mặt "chiến tuyến mới" đầy thách thức: Chiến lược chạy đua xây dựng căn cứ các căn cứ hải quân của mỗi nước tại châu Phi.
Vào tháng 8/2023, Tổng thống lúc bấy giờ của quốc gia Trung Phi Gabon Ali Bongo tiết lộ một điều đáng kinh ngạc với phụ tá hàng đầu của Nhà Trắng: Trong cuộc gặp tại dinh tổng thống, ông Bongo thừa nhận đã bí mật cam kết với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh có thể đóng lực lượng quân sự trên bờ biển Đại Tây Dương của Gabon.
Theo một quan chức an ninh quốc gia Mỹ, ngay sau đó, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer đã thúc giục Tổng thống Bongo rút lại lời cam kết đó.
Mỹ coi Đại Tây Dương là sân sau chiến lược của mình và xem sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc ở đó - đặc biệt là việc đặt căn cứ hải quân, nơi Bắc Kinh có thể tái vũ trang và sửa chữa tàu chiến - là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Washington.
"Bất cứ khi nào Trung Quốc bắt đầu quan tâm, dò xét một quốc gia ven biển châu Phi, chúng tôi đều cảm thấy lo lắng", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bongo và Phó Cố vấn Finer ở Libreville, thủ đô của Gabon, chỉ đánh dấu một trong số những căng thẳng trong các hoạt động giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi.
Các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch ngầm nhằm đảm bảo an ninh cho một căn cứ hải quân ở bờ biển phía Tây lục địa. Và, trong hơn 2 năm, Washington đã nỗ lực song song để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Phi từ chối cho Bắc Kinh lập căn cứ ở vùng biển Đại Tây Dương.
Trong vòng vài tuần sau cuộc gặp với ông Finer, Tổng thống Bongo đã bị lật đổ và Mỹ đã buộc phải bắt đầu lại, cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo mới của Gabon tránh xa các đề nghị của Trung Quốc.
Đó là một "mặt trận" mà các quan chức Mỹ nói rằng họ đang thắng. Các quan chức Mỹ cũng cho biết cho đến nay, chưa có quốc gia châu Phi nào có bờ biển Đại Tây Dương ký thỏa thuận với Trung Quốc. "Chúng tôi tin tưởng Gabon sẽ không cho phép Bắc Kinh lập căn cứ ở vùng đất của họ", một quan chức Mỹ khẳng định.
Trong khi đó, tại Guinea Xích đạo, nơi các quan chức Mỹ từng gay gắt lên án việc Trung Quốc nỗ lực mở căn cứ hải quân ở đây, Washington không thấy dấu hiệu nào về các hoạt động xây dựng quân sự tại một cảng thương mại nước sâu do Bắc Kinh xây dựng ở thành phố Bata. "Các nhà chức trách ở Guinea Xích đạo luôn đảm bảo với chúng tôi rằng sẽ không để Trung Quốc xây dựng một căn cứ như vậy", quan chức Mỹ nói.
Theo các nguồn tin, các công ty Trung Quốc đã xây dựng khoảng 100 cảng thương mại ở châu Phi kể từ năm 2000, từ Mauritania ở vùng viễn tây đến Kenya trên Ấn Độ Dương, theo chính phủ nước này.
Tuy nhiên, chỉ có một cảng châu Phi đóng vai trò là căn cứ thường trực cho tàu và quân đội Trung Quốc: cơ sở 7 năm tuổi ở Djibouti, nhìn ra Biển Đỏ chiến lược, nơi Mỹ và các đồng minh hiện đang bảo vệ các tuyến đường vận chuyển trước các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi ở Yemen.
Với căn cứ ở Djibouti này, Trung Quốc có thể neo đậu một tàu sân bay hoặc tàu ngầm hạt nhân, nằm cách căn cứ lớn nhất của Mỹ ở châu Phi, Camp Lemonnier, một trung tâm chiến dịch chống phiến quân al-Shabaab, chỉ một quãng lái xe rất ngắn.
Mỹ thay đổi cách tiếp cận
Theo các chuyên gia, chính cuộc đảo chính quân sự tháng 8 ở Gabon khiến Mỹ thay đổi quy định nhằm hạn chế hỗ trợ an ninh cho các chế độ quân sự.
Người phụ trách châu Phi hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia, Judd Devermont, và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Melanie Higgins đã đến thăm Gabon vào tháng sau khi xảy ra đảo chính. Tại cuộc gặp đó, tướng Brice Oligui Nguema, người đã tuyên thệ nhậm chức "Tổng thống chuyển tiếp" ở Gabon sau cuộc đảo chính, cho biết ông hiểu những lo ngại của Mỹ về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên Đại Tây Dương.
Ông cho biết, Bongo đã có thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản. "Họ đã nói về một loạt biện pháp mà chúng tôi có thể làm để ngăn Gabon bắt tay với Trung Quốc", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Bản thân ông Noel Nelson Messone, Đại sứ Gabon tại Washington, cũng nói rằng không biết bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng có một căn cứ của Trung Quốc ở Gabon. Ông cho hay, Tổng thống Oligui vẫn chưa có cuộc đàm phán cấp cao với Bắc Kinh.
Tại cuộc gặp ở Libreville, ông Devermont kêu gọi Tổng thống Oligui đặt ra thời gian biểu để nhanh chóng trở lại chính phủ dân cử nhằm đổi lấy sự hỗ trợ tối đa của Washington.
Vào tháng 11/2023, Nhà Trắng đã quyết định để Gabon đăng cai cuộc tập trận hàng hải Tây và Trung Phi do Mỹ dẫn đầu trong năm nay, quy tụ lực lượng hải quân từ hàng chục quốc gia.
Cuộc tập trận được lên kế hoạch nhằm giúp các quốc gia ven biển chống lại nạn cướp biển và đánh bắt trái phép. Mỹ cũng có thể tăng cường hỗ trợ cho những nỗ lực của Gabon trong việc bảo tồn các khu rừng nhiệt đới, chiếm gần 90% diện tích đất nước.
Mvemba Dizolele, Giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn độc lập ở Washington, dự đoán chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ nỗ lực hỗ trợ Gabon nhằm có thể ngăn đà tham vọng quân sự của Trung Quốc.
"Đây là vấn đề vô cùng cấp bách về an ninh quốc gia. Chúng ta cần tiếp tục làm việc với Gabon", ông Dizolele nói.
Mỹ cũng đã đưa ra hàng loạt chính sách ngoại giao thân thiết với Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Nguema. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Finer đã đến thăm thủ đô Malabo vào năm 2021 và có cuộc gặp với con trai của Tổng thống Nguema là Phó Tổng thống Nguema Mangue, tại Liên hiệp quốc vào năm 2023.
Washington đã mời các quan chức quân sự của Guinea Xích đạo tới quan sát các cuộc tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu và đưa ra ý tưởng giúp nước này chống lại nạn cướp biển.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng đang ngày đêm dõi theo xem Trung Quốc sẽ chuyển hướng tiếp theo ở đâu. "Khi một cánh cửa đóng lại, họ sẽ tìm kiếm cánh cửa khác", một quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết.