Mỹ "úp mở" chuyển vũ khí hạt nhân tới sát Nga, Moscow cảnh báo
(Dân trí) - Nga đã lên tiếng cảnh báo hậu quả sau khi một quan chức Mỹ hé lộ rằng Washington cân nhắc đưa kho vũ khí hạt nhân từ Đức tới Ba Lan, quốc gia nằm sát Nga.
Sputnik đưa tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/5 đã cảnh báo rằng nếu Mỹ chuyển kho vũ khí hạt nhân từ Đức sang Ba Lan, quan hệ giữa Nga và NATO sẽ trở nên phức tạp và căng thẳng sẽ leo thang.
“Chúng tôi hy vọng rằng Washington và Warsaw sẽ hiểu được bản chất nguy hiểm của những tuyên bố như vậy, vì nó có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã khó khăn giữa Nga và NATO, và đe dọa chính nền tảng của an ninh châu Âu - vốn đã bị suy yếu do các bước đi đơn phương của Mỹ, trước hết là thông qua việc họ rời khỏi Hiệp ước INF”, bà Zakharova nói, nhắc tới hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga mà Mỹ rút khỏi năm ngoái.
Tuyên bố của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher hồi tuần trước. Bà Mosbacher nói rằng: “Nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì Ba Lan - thành viên tuân thủ các quy định tài chính và hiểu rõ những rủi ro phải đối mặt ở sườn Đông NATO - có thể đưa chúng (vũ khí hạt nhân) về đặt ở nước này”.
Bình luận của bà Mosbacher được đưa ra sau khi có những cuộc tranh luận nổ ra bên trong chính phủ Đức về việc liệu các vũ khí hạt nhân của Mỹ có nên bị chuyển ra khỏi các căn cứ không quân ở Đức hay không.
Ông Rolf Mutzenich, lãnh đạo SPD, đảng lớn thứ 2 và là thành viên của chính phủ liên minh cầm quyền ở Đức, cho rằng vũ khí hạt nhân đặt trên lãnh thổ Đức dường như “không nâng cao an ninh” cho quốc gia này, mà ngược lại, có thể khiến Đức dễ tổn thương và gặp nhiều rủi ro bị tấn công hơn.
“Mỹ có thể đóng góp thực sự vào việc tăng cường an ninh châu Âu bằng cách đưa đầu đạn hạt nhân của Mỹ trở về lãnh thổ Mỹ. Nga đã làm như vậy từ rất lâu khi mang toàn bộ vũ khí hạt nhân trở về lãnh thổ Nga”, bà Zakharova.
Trước đó, Nga nhiều lần cảnh báo các quốc gia láng giềng ở Đông Âu về rủi ro nếu cho phép Mỹ đặt các hệ thống chiến lược ở những quốc gia này, bao gồm tổ hợp phòng không trên mặt đất Aegis Ashore.
Đức Hoàng
Theo Sputnik