1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cân nhắc thử nghiệm hạt nhân sau 28 năm

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận có nên tiến hành lần thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992.

Đây là động thái có thể gây ra những hậu quả sâu rộng cho quan hệ với những cường quốc hạt nhân khác và đảo ngược lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ đối với hành động trên. Vấn đề hạt nhân được đề cập trong một cuộc họp của các quan chức cấp cao đại diện cho những cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu vào ngày 22-5, sau những cáo buộc cho rằng Nga và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân nhỏ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng công khai về việc này và cả 2 nước trên đều lên tiếng phủ nhận.

Một quan chức cấp cao giấu tên nói rằng việc chứng minh cho Moscow và Bắc Kinh thấy Mỹ có thể "thử nghiệm nhanh" sẽ hữu ích trong quan điểm đàm phán khi Washington muốn tìm kiếm một thỏa thuận 3 bên để điều chỉnh kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất.

Cuộc họp không kết thúc bằng bất kỳ thỏa thuận tiến hành thử nghiệm nào nhưng một quan chức cấp cao khẳng định đề xuất trên "vẫn đang được thảo luận". Tuy nhiên, một nguồn tin khác tiết lộ quyết định cuối cùng là dùng những biện pháp khác để đáp trả mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc và tránh thử nghiệm trở lại. Tờ San Francisco Chronicle dẫn nguồn từ 2 người có thông tin cho biết đã có những bất đồng gay gắt trong cuộc họp về ý tưởng trên, đặc biệt là từ Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia.

Mỹ cân nhắc thử nghiệm hạt nhân sau 28 năm - 1

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận về việc tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Ảnh: AP

 

Mỹ đã không thử nghiệm hạt nhân từ tháng 9-1992 và những người không ủng hộ phổ biến hạt nhân cảnh báo rằng việc thử nghiệm trở lại có thể gây ra những hậu quả gây bất ổn. "Nó có thể trở thành phát súng mở đầu của một cuộc đua vũ trang hạt nhân chưa từng có tiền lệ" - trích lời ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí.

Mỹ vẫn là nước duy nhất triển khai vũ khí hạt nhân trong thời chiến nhưng kể từ năm 1945, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành khoảng 2.000 cuộc thử nghiệm hạt nhân, trong đó có hơn 1.000 cuộc là của Mỹ.

Các cuộc thảo luận về thử nghiệm hạt nhân được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực từ năm 2002. Đây là hiệp ước giúp giảm khả năng xảy ra chiến tranh tình cờ bằng cách cho phép 34 nước thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát lẫn nhau.

Kế hoạch này đánh dấu một ví dụ khác của sự suy thoái về kế hoạch kiểm soát vũ khí toàn cầu mà Washington và Moscow bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh. Vào năm 2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung năm 1987 vì cho rằng Nga vi phạm hiệp ước. Trước đó 1 năm, Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đã ký với Iran hồi tháng 7-2015

Trụ cột chính còn lại của kế hoạch kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông Trump đang nỗ lực thúc đẩy một cuộc đàm phán mới với sự tham gia của Trung Quốc ngoài Nga nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

Đặc phái viên của ông Trump phụ trách đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Marshall Billingslea cảnh báo Trung Quốc "có ý định phát triển lực lượng hạt nhân và dùng lực lượng đó để đe dọa Mỹ cùng đồng minh".

Một quan chức Mỹ nhận định một cuộc thử nghiệm hạt nhân có thể giúp gây áp lực để Trung Quốc tham gia thỏa thuận ba bên với Mỹ và Nga nhưng một số người cho rằng đây là động thái đầy rủi ro.

Theo Bảo Hạnh

Người lao động