1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Đường dài và chông gai

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới không chỉ trong ngắn hạn mà có khả năng sẽ kéo dài nhiều năm nữa.

Hôm 20-3 (giờ Mỹ), tạp chí kinh tế The Wall Street Journal đưa tin một phái đoàn ngoại giao do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu sẽ bay đến Bắc Kinh nhằm nối lại đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong tuần tới.

Đối đầu Mỹ-Trung khiến kinh tế thế giới thiệt hại

Một tuần sau đó, phái đoàn của TQ cũng sẽ bay sang Washington. Các chỉ dấu đều cho thấy một thỏa thuận chính thức nhiều khả năng sẽ được ký kết vào cuối tháng 4, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến đắt đỏ nhất thế kỷ 21 giữa hai siêu cường này.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 20-3, báo The Hill cho biết Tổng thống Donald Trump đã nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu đối với hàng tỉ USD hàng hóa TQ để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ một thỏa thuận có thể đạt được giữa hai nước về việc giảm hàng rào thuế quan. Điều này khiến tương lai quan hệ thương mại Mỹ-Trung chưa kịp lạc quan đã bắt đầu xám xịt trở lại.

Đến nay, tuy rằng cuộc đối đầu Mỹ-Trung chỉ kéo dài chưa đầy hai năm nhưng với những thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế thế giới là không nhỏ. Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán sẽ phải cần một khoảng thời gian dài để thị trường khôi phục lại mức tăng trưởng và quy mô như trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Sau Trung Quốc là châu Âu đang lo ngại

Trong một báo cáo xuất bản vào đầu tháng 3 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 36 nước thành viên, tăng trưởng kinh tế thế giới đã chậm lại đáng kể trong hai năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. “Tăng trưởng thương mại, một nhân tố trọng yếu của nền kinh tế thế giới đã chậm đi một cách rõ rệt từ hơn 5% vào năm 2017 xuống còn khoảng 4% vào năm 2018. Các rào cản thuế quan thương mại đã có tác động tiêu cực đối với niềm tin của các nhà đầu tư và các kế hoạch đầu tư trên toàn thế giới” - báo cáo của OECD cho biết.

Đề cập đến giai đoạn hậu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, OECD cũng đưa ra dự đoán nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lại tiếp tục áp đặt những hàng rào thuế quan mới lên các mặt hàng Mỹ nhập khẩu, cụ thể như ô tô và linh kiện ô tô nhập vào Mỹ để bảo vệ nền công nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Ngoài ra, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành, và nguy cơ diễn biến thành một cuộc đối đầu thương mại tiếp theo là rất cao nếu đàm phán giữa hai bên đổ vỡ.

“Điều này sẽ đánh mạnh vào EU, bởi xuất khẩu ô tô chiếm gần 1/10 tổng số sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, sự liên kết chặt chẽ của các chuỗi cung ứng ở đây sẽ khiến cho hàng loạt quốc gia và lĩnh vực cùng phải chịu ảnh hưởng. Sức mạnh của các hàng rào thuế quan đang có hiệu lực hiện tại sẽ tăng cao thông qua những biện pháp như vậy và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư trên thế giới” - báo cáo OECD viết.

 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Đường dài và chông gai - 1

Các container đặt tại cảng Deep Water (Thượng Hải, Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Nhiều mặt hàng chịu tổn thương

Trước tiên là đậu nành. TQ từng là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Mỹ. Vậy nên không có gì khó hiểu khi sản phẩm này trở thành mục tiêu đầu tiên mà chính quyền Bắc Kinh đánh thuế để chống lại Washington. Tuy Nhà Trắng đã tung ra những chương trình trợ cấp hào phóng trị giá gần 12 tỉ USD cho người trồng đậu nành của Mỹ, họ vẫn phải chịu thua lỗ khi gần 3,7 tỉ tấn đậu nành không bán được tính đến tháng 12-2018, chiếm gần 80% sản lượng đậu nành thu hoạch được trên toàn nước Mỹ vào năm ngoái, theo hãng tin CNN.

Ông Grant Kimberley, Giám đốc Hiệp hội Phát triển thị trường đậu nành bang Iowa, cho biết: “Đến bây giờ nông dân Mỹ vẫn chưa trực tiếp thấy được hậu quả. Nhưng nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra và chúng tôi vẫn còn hàng tỉ tấn đậu nành tồn kho, đây có thể sẽ trở thành vấn đề của năm 2019”. Tệ hơn, theo một số dự báo dài hạn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thị trường đậu nành của nước này sẽ không thể phục hồi lại như trước cho đến ít nhất là năm 2024.

Trả lời phỏng vấn của CNN, một số nông dân trồng đậu nành bày tỏ hy vọng cuộc chiến tranh thương mại mau chóng kết thúc để họ có thể quay lại sản xuất như trước kia. “Những người nông dân, không nghi ngờ gì nữa, đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chúng tôi đã trông đợi quá lâu rồi, họ cuối cùng phải thỏa thuận với nhau thôi. TQ là thị trường số một của chúng tôi” - nông dân Austin Rinker nói.

Chúng ta đã theo cho đến tận hôm nay, đó sẽ là một thỏa thuận lớn. Nếu nó không phải một thỏa thuận lớn, bạn không bao giờ theo đuổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngoài đậu nành, khoáng sản cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng. Trước thềm Diễn đàn Nhà đầu tư khoáng sản sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới, chuyên gia về khai thác khoáng sản Gwen Preston đưa ra nhận định: “Giao dịch vàng và kim loại sẽ thuận lợi nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận giữa Mỹ-Trung. Ngược lại, dù sở hữu yếu tố cung-cầu cao, những tài nguyên này sẽ không có cơ hội”.

Thêm vào đó, bà Preston cho rằng do tác động của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc đã khiến các nhà đầu tư phải xem xét việc đầu tư vào các loại khoáng sản quý hiếm như một giải pháp bảo đảm. Theo báo cáo của các sàn giao dịch vàng trên thế giới, giá của kim loại này đã có sự tăng trưởng không nhỏ và dự kiến giá vàng thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng theo đà diễn biến của đàm phán Mỹ-Trung.

Mặt hàng quan trọng không kém là dầu mỏ. Hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng nền công nghiệp dầu cần phải lo ngại về những bất đồng trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung. Theo đó, dù Mỹ-Trung có thể đạt được một thỏa thuận đình chiến nhưng chính sách ngoại giao của ông Trump đối với TQ sẽ không hề khiến các thị trường nhiên liệu, đặc biệt là thị trường dầu, dễ thở hơn. Cụ thể, gần 70% lượng dầu thế giới chảy qua các cảng của TQ hoặc công ty do TQ đầu tư bên cạnh các cơ sở hạ tầng phục vụ nhiên liệu khác.

Vì vậy, nếu phía Mỹ có ý định phá vỡ sự liền mạch của chuỗi cung ứng này, Bắc Kinh sẽ không để yên. Nền công nghiệp dầu và khí đốt thế giới, với phần lớn nằm trong tay các tập đoàn Mỹ, sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề và rất có thể phải cân nhắc chuyển đổi thị trường hoặc tìm kiếm một giải pháp cung ứng khác. Ngoài ra, theo báo cáo của hãng tin Bloomberg năm 2018, TQ chiếm gần phân nửa sản lượng tiêu thụ dầu trên thế giới. Bởi vậy, Washington càng phải hết sức cẩn trọng khi đương đầu trực diện với Bắc Kinh.

Theo Vĩ Cường

Pháp luật TP.HCM