Chiến sự Ukraine đẩy giá dầu ăn tăng kỷ lục
(Dân trí) - Sự thiếu hụt đã gây ra hiệu ứng domino, với giá dầu hạt cải, dầu cọ và dầu ôliu tại Ukraine tăng cao kỷ lục, buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương trên toàn cầu, từ đó đẩy giá các loại dầu ăn khác lên mức cao kỷ lục, tác động đến các nhà sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng đang phải vật lộn với lạm phát.
Theo công ty nghiên cứu Mintec, Ukraine là nước sản xuất dầu hướng dương lớn, chiếm hơn 47% lượng xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất dầu hướng dương đã phải tạm dừng do chiến sự, làm gián đoạn nguồn cung cấp một mặt hàng thiết yếu.
Sự thiếu hụt dầu hướng dương của Ukraine đã gây ra hiệu ứng domino, cho thấy rõ cách các thị trường hàng hóa toàn cầu được kết nối với nhau, và đang đẩy giá các loại dầu khác được sản xuất ở nơi khác lên cao, bao gồm cả những loại dầu thường không được coi là sản phẩm thay thế cho dầu hướng dương.
Sự gián đoạn này xảy ra do giá dầu ăn vốn đã cao sau những vụ mất mùa ở Canada và vùng Nam Mỹ.
Ông Luciano Chiumiento, Giám đốc thương mại của hãng sản xuất sốt pesto Italy CLAS SpA, cho biết: "Chúng tôi đang ở giữa thời điểm khó khăn và sau đó chiến sự khiến mọi thứ trở nên điên rồ hơn". Công ty của ông là một trong những đơn vị tiêu thụ dầu hướng dương lớn trên thế giới, đang chịu ảnh hưởng từ giao tranh ở Ukraine.
Giá dầu hướng dương thế giới đã tăng 44% vào cuối tháng 3 so với một năm trước đó, trong khi dầu hạt cải đã tăng 72%, theo báo cáo của công ty Mintec. Giá dầu đậu nành tăng 41%, dầu cọ tăng 61% và dầu ôliu cao hơn 15%. Ngoài dầu ôliu, tất cả các loại còn lại đều đạt mức giá cao kỷ lục trong tháng 3, Mintec cho biết.
Ban đầu, nhiều nhà sản xuất thực phẩm chuyển sang sử dụng dầu hạt cải, loại dầu thay thế dễ dàng nhất cho dầu hướng dương, Gary Lewis, người đứng đầu công ty bán thành phẩm và nguyên liệu làm dầu ăn KTC Edibles Ltd có trụ sở tại Anh, cho hay. Nhưng rồi giá dầu hạt cải cũng nhanh chóng tăng vọt từ 40% đến 50%.
Nguồn cung dầu hạt cải cũng sớm bắt đầu cạn kiệt. Ông nói, hiện tại, KTC không bán dầu hướng dương hay dầu hạt cải vì không thể mua được. "Thế giới đang nhận ra rằng không dễ dàng thay thế một mặt hàng chính như dầu hướng dương bằng một sản phẩm khác", ông nói.
Dầu hướng dương là một loại dầu ăn phổ biến và cũng là một thành phần hấp dẫn và quan trọng để làm các sản phẩm như sốt mayonnaise và bơ thực vật, đặc biệt là ở châu Âu, vì hương vị tương đối nhẹ và nguồn cung nhiều.
Ông Albert McQuaid, Giám đốc khoa học và công nghệ của nhà sản xuất nguyên liệu Ailen Kerry Group PLC, cho biết việc thay thế bằng dầu cọ có thể gặp khó khăn vì nó có kết cấu đậm đặc hơn, trong khi dầu đậu nành làm tăng nguy cơ dị ứng và lo ngại về các thực vật biến đổi gene.
Công ty đang trong quá trình đổi sang sử dungh dầu hạt cải. Các công ty sản xuất cũng cho biết, dầu ôliu cũng không thể trở thành một mặt hàng thay thế thích hợp do đắt hơn nhiều. Theo ông Walter Zanre, người đứng đầu thương hiệu dầu ôliu Italy Filippo Berio, giá dầu ôliu tinh luyện thường có xu hướng cao hơn khoảng 4 lần so với dầu hướng Dương, trong khi sản lượng dầu hướng dương trên toàn cầu lớn gấp hơn 7 lần so với dầu ôliu.
Thực tế này cho thấy việc tìm nguồn cung thay thế dầu hướng dương khó khăn như thế nào. Filippo Berio đang có kế hoạch tăng giá dầu ôliu trên toàn cầu khoảng 20%, với mức tăng ở một số nơi bắt đầu từ tháng 5 khi nguồn cung hiện có đang dần cạn kiệt.
Khi nhiều nhà sản xuất thay thế dầu hướng dương bằng hạt cải dầu, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh đã tiến hành đánh giá rủi ro để kiểm tra dị ứng. FSA kết luận nguy cơ dị ứng với dầu hạt cải là rất thấp.
Mối lo cho các nước nghèo
Các cửa hàng tạp hóa ở một số nước châu Âu, bao gồm Bỉ và Tây Ban Nha, đã giới hạn số lượng dầu hướng Dương được mua, trong khi chuỗi siêu thị Iceland của Anh gần đây cho biết họ sẽ đưa thêm dầu cọ vào các kệ hàng vì tình trạng thiếu dầu hướng dương.
Ngoài giá nguyên liệu tăng, các công tư như CLAS cũng đang phải vật lộn với chi phí nhiên liệu và vận chuyển tăng cao, trong khi giá lọ thủy tinh, một sản phẩm thường được sản xuất ở Ukraine, đã tăng tới 45%, ông Chiumiento nói.
Iceland cho biết đã đưa ra quyết định với "sự hối tiếc rất lớn", vì trước đó đã cam kết sẽ loại bỏ dầu cọ khỏi các sản phẩm mang nhãn hiệu của mình, do lo ngại về nạn phá rừng.
Ukraine, quốc gia có quốc hoa là hướng dương, xuất khẩu lớn dầu hướng dương lớn trong nhiều thập niên. Các nhà kinh doanh nông sản toàn cầu bao gồm Cargill, Archer Daniels Midland, và Bunge… đã đầu tư vào các cảng, cơ sở ngũ cốc và nhà máy chế biến ở khu vực Biển Đen ít nhất từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, kể từ sau khi xung đột nổ ra, cả Bunge, ADM và Cargill đều đã đình chỉ các hoạt động tinh chế hướng dương ở Ukraine.
Phần lớn dầu hướng dương xuất khẩu của Ukraine như các lô hàng ngũ cốc lớn xuất khẩu đến các nước đang phát triển, nơi giá lương thực cao hơn sẽ có tác động quá lớn đến những người tiêu dùng nghèo hơn.
Ví dụ, Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, khách hàng nhập dầu hướng dương lớn của Ukraine. Quốc gia Nam Á này cũng nhập dầu hướng dương từ Nga, nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới và cho biết họ sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu bắt đầu từ cuối tháng này.
Nga cũng cho biết sẽ cấm xuất khẩu hạt hướng dương và hạt cải dầu từ tháng 4 đến cuối tháng 8 để bảo vệ nguồn cung trong nước khi giá tăng.
Theo John Sandbakken, người đứng đầu Hiệp hội Hoa hướng dương Quốc gia, khi mùa gieo trồng đến gần, những người trồng trọt ở Mỹ tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh giá tăng cao có thể tăng sản lượng hạt hướng dương lên 30-40%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không hy vọng khi việc Mỹ tăng hoạt động sản xuất sẽ giúp giảm bớt đáng kể áp lực giá cả vì nước này chiếm một phần nhỏ xuất khẩu dầu hướng dương. Bất chấp nỗ lực của các nước, vẫn sẽ có khoảng trống trên thị trường.