"Cơn điên" tiếp tục, dầu vọt ngưỡng 110 USD/thùng

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu WTI của Mỹ vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2013 trong khi giá dầu Brent vượt ngưỡng 110 USD/thùng trước thềm cuộc họp bàn về sản lượng trong tháng 4 của OPEC+, bao gồm Nga, vào tuần tới.

Cơn điên tiếp tục, dầu vọt ngưỡng 110 USD/thùng - 1

Giá dầu Brent có thể cán mốc 120 USD/thùng nếu các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với năng lượng của Nga (Ảnh: Reuters).

Giá dầu WTI giao kỳ hạn trên thị trường châu Á lúc 14h10 chiều nay (2/3) đã tăng hơn 6%, giao dịch ở mức 109,98 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013. Trong phiên giao dịch hôm qua, hợp đồng dầu này tăng 8,03% lên mức 103,41 USD/thùng.

Giá dầu Brent cũng tăng 6,2% lên mức 111,56 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu này tăng 7,15% lên mức 104,97%.

"Vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là thời điểm kịch tính đối với thị trường, thế giới và các nguồn cung. Rõ ràng thế giới sẽ phải ngăn Nga đóng cửa xuất khẩu dầu của nước này", ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital nói và cho rằng thị trường không thể để mất nguồn cung dầu của Nga.

Cả giá dầu WTI và Brent đều đã vọt qua ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 25/2, lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, dấy lên lo ngại về nguồn cung vốn đã eo hẹp.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya tại Oanda cho rằng: "Giá dầu thô không ngừng tăng cao vì thị trường dầu đang rất eo hẹp. Giá dầu Brent có thể cán mốc 120 USD/thùng nếu thị trường bắt đầu cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với năng lượng của Nga".

Hôm qua, các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Theo đó, Mỹ có thể giải phóng 30 triệu thùng dầu.

Nhưng thông báo này đã không làm dịu được "cơn điên" của giá dầu.

"Chúng tôi không coi đây là sự cứu trợ đáng kể", Goldman Sachs viết trong một lưu ý cho khách hàng sau thông báo trên. "Sự phá hủy cầu, thông qua mức giá cao hơn, hiện có khả năng là cơ chế tái cân bằng duy nhất, với độ co giãn nguồn cung không còn phù hợp khi đối mặt với một cú sốc cung lớn và tức thời như vậy", hãng này viết.

Cả dầu WTI và Brent hiện đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ hàng năm khi nhu cầu hồi phục trong khi nguồn cung vẫn hạn chế. Các nhà sản xuất dầu trên toàn cầu đang tiếp tục kiểm soát sản lượng và OPEC+ thì bơm nhỏ giọt ra thị trường sau khi cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày hồi tháng 4/2020 khi đại dịch xảy ra. Hiện nhóm này đang thực hiện tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày.

Trong một lưu ý cho khách hàng, ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC viết: "Chúng tôi cho rằng nhóm sản xuất có thể sẽ theo như lộ trình nới lỏng hiện tại, tránh sa vào cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc liên quan đến đồng chủ tịch của nhóm là Nga".

RBC cho rằng, có thể sẽ có sự thay đổi về mặt chiến lược trong những tuần tới nếu có gián đoạn về nguồn cung thực tế.

Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí chủ chốt, đặc biệt là sang châu Âu. Cho đến hiện tại, lĩnh vực năng lượng của nước này vẫn chưa bị trừng phạt trực tiếp. Song những tác động từ các lệnh trừng phạt tài chính cũng khiến một số người mua nước ngoài "chùn tay".

Theo CNBC