Chiến sự Syria khi Mỹ đã hết kiên nhẫn
Giải quyết tình hình Syria, Trung Đông hay châu Âu mà không có Nga hay bất chấp Nga là không đem đến kết quả như mong muốn.
Mỹ đã hết kiên nhẫn, rằng kiên nhẫn của Mỹ đã hết giới hạn bởi VKS của Nga và không quân Syria cứ nhằm vào cái gọi là lực lượng “ôn hòa” của Mỹ bỏ bom không thương tiếc.
Đã rất nhiều lần, dư luận thế giới đều chứng nhận và nghe thấy Nga công khai đề nghị Mỹ hợp tác quân sự, thực chất là hợp tác để ném bom vào quân khủng bố, nhưng Mỹ đều phớt lờ và thẳng thừng từ chối.
Tại sao vậy? Đơn giản là trong cái đám Nga coi là khủng bố này, Mỹ cũng thật sự chẳng ưa gì chúng, nhưng vì hiện tại, chúng là lực lượng mạnh, nòng cốt, cùng với IS mới có thể lật đổ được Assad, cho nên Mỹ muốn nó tồn tại để lợi dụng một thời gian.
Ngoài ra, Mỹ cần có đủ thời gian để xây dựng một lực lượng mới sau khi các lực lượng trước đó đã tốn công, tốn của, tốn thời gian bỏ ra nhưng giá trị sử dụng là kém, bị liên quân Nga, Iran, Hezbollah và Assad đánh tan, mất sức chiến đấu như Quân đội Syria tự do…
Lâu nay Mỹ tố Nga là tấn công vào lực lượng “ôn hòa”, Nga bắt bẻ lại Mỹ rằng, vậy Mỹ chỉ chỗ nào có lực lượng “ôn hòa” đóng quân để Nga tránh, nhưng Mỹ im lặng, phớt Ăng lê… là chuyện thường xuyên xảy ra.
Như đã biết, đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva chỉ là biện pháp câu giờ của Mỹ vì thực ra Mỹ chưa có một lực lượng đủ mạnh, đủ uy tín để cân bằng với Assad trên bàn đàm phán. Vì thế Mỹ cần xây dựng một lực lượng khả dĩ có thế là phe đối lập với Assad trong tương lai.
Ngoài lực lượng người Kurd Syria thì lực lượng “Quân đội Syria mới” (NSA) là 2 thành phần Mỹ công khai hậu thuẫn, được coi như là lực lượng nòng cốt cho một giải pháp khi Syria bị phân mảnh.
Là một lực lượng khá nhỏ hoạt động gần biên giới Jordan ở vùng sa mạc phía đông nam Syria, được Mỹ, Anh và Jordan huấn luyện và cung cấp trang thiết bị, cho nên NSA là một đối thủ “tinh nhuệ, hiện đại” mà các lực lượng trung thành với Nga ở một số tỉnh miền Đông Syria, trong đó có tỉnh Deir el-Zour cát cứ của NSA phải dè chừng.
Thực ra cũng như FSA, NSA cũng là một đội quân đánh thuê mà kết quả Mỹ đào tạo, huấn luyện chẳng khá hơn FSA bao nhiêu, cũng đã bị thất bại nhiều trận khi đối đầu với IS dù được Mỹ, Anh hỗ trợ bằng pháo binh và không quân.
Tuy nhiên, tấn công vào lực lượng này là sự mạo hiểm của Nga vì chấp nhận đối đầu trực tiếp với lực lượng Mỹ, Anh công khai hậu thuẫn. Nhưng Nga muốn vậy là nhằm bấm vào tử huyệt Mỹ, buộc Mỹ phải vào cuộc. Và kết quả là nằm trong dự đoán của Nga.
Đợt không kích lần thứ nhất, Mỹ tố cáo và đe dọa là đã “hết kiên nhẫn”. Có 50 cựu ngoại giao gửi thư cho Tổng thống Mỹ đề nghị Mỹ ném bom vào quân chính phủ Syria. Có vị tướng Mỹ tuyên bố là sẽ bắn hạ máy bay Nga… nếu được chính quyền Mỹ cho phép…
Sau khi Lầu Năm Góc dùng kênh khẩn cấp để yêu cầu Nga dừng không kích trong vụ đầu tiên thì Nga bỏ ngoài tai, tiếp tục không kích vụ thứ 2 vào NSA.
Đến đây Mỹ thực sự "hết kiên nhẫn", không muốn NSA giống như FSA, lập tức… đề nghị Nga hợp tác quân sự, điều mà trước đây Mỹ phớt lờ khi Nga đề nghị.
Theo đó, Mỹ hứa sẽ tham gia với lực lượng không quân Nga, chia sẻ mục tiêu và phối hợp một chiến dịch ném bom vào Jabhat al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda tại Syria. Đổi lại, Nga sẽ gây áp lực buộc Assad ngừng ném bom một số nhóm nổi dậy Syria mà Mỹ không coi là khủng bố. Mỹ sẽ không cung cấp cho Nga những vị trí chính xác của các nhóm này, nhưng sẽ xác định các vùng địa lý đó sẽ được an toàn khỏi các cuộc tấn công trên không của chế độ Assad.
Thỏa thuận này cùng với hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mà theo đó mục tiêu của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là al-Nusra, lực lượng chống Assad và IS, đã tạo ra một bước ngoặt, dồn IS và quân khủng bố vào cửa tử, đồng thời giảm áp lực lên chính quyền Assad.
Mỹ cũng chẳng phải là dạng vừa, đây là một nước đi khôn ngoan nhằm tập hợp lực lượng, tạo uy tín cho NSA. Các lực lượng đang chống Assad chỉ có 2 sự lựa chọn ngặt nghèo hoặc gia nhập vào NSA hoặc bị ăn đòn không kích hợp pháp của Nga và Syria.
NSA mới là át chủ bài của Mỹ, đại diện chính thức cho lợi ích Mỹ - Anh tại Syria trong một giải pháp chính trị tương lai, thay cho “Quân đội Syria tự do” (FSA) nổi tiếng kỷ lục về “huấn luyện kém hiệu quả và lãng phí” và đã bị đánh tan nát.
Chưa hết, ngoại trừ IS và al-Nusra là Mỹ chia sẻ tọa độ, vị trí cụ thể, nhưng lực lượng “ôn hòa” thì Mỹ khoanh vùng địa lý. Điều này Mỹ đang tạo thuận lợi cho các lực lượng chống đối Assad khác có căn cứ xuất phát tấn công mà không sợ bị Nga và Assad không kích.
Tuy nhiên, kết quả thỏa thuận hợp tác quân sự Nga-Mỹ và Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một hệ quả: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ… phải công nhận quân đội Assad là một lực lượng mạnh không thể đánh đổ bởi IS và lực lượng nổi dậy được hậu thuẫn của bên ngoài.
Do đó, chính quyền Assad không thể thiếu trên bàn đàm phán hòa bình trong tương lai. Nếu một giải pháp hòa bình thành công thì việc Assad ra đi hay ở lại là do nhân dân Syria quyết định.
Giải quyết tình hình Syria, Trung Đông hay châu Âu mà không có Nga hay bất chấp Nga là không đem đến kết quả nào như mong muốn.
Thẳng thừng từ chối hợp tác quân sự với Nga trên mặt trận chống khủng bố tại Syria, Nga một mình hành động khiến Mỹ “hết kiên nhẫn”: Đề nghị hợp tác. Tuyên bố Assad dứt khoát phải ra đi hoặc bị lật đổ bằng quân sự, Nga ra tay khiến Mỹ “hết kiên nhẫn”… như ta đã biết.
Đã đến lúc Mỹ phát huy tính thực dụng trứ danh của mình.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt