1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Nga - Ukraine khiến người Đông Âu mất ngủ

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà tâm lý học cho biết, nhiều người ở Đông Âu đã quá căng thẳng trong 2 năm bùng nổ đại dịch Covid-19, và nay cuộc xung đột Ukraine càng khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Chiến sự Nga - Ukraine khiến người Đông Âu mất ngủ - 1

Một người đàn ông xem xác một tên lửa rơi trúng ngôi làng Kozarovychi gần thủ đô Kiev, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo NYT, Trong 7 tuần qua, bác sĩ Simona Neliubsiene đã phải cố gắng tập trung vào bảng xếp hạng bệnh nhân nhưng vẫn bị phân tâm bởi hình ảnh các thành phố bị đánh bom ở Ukraine. Neliubsiene thường thức đêm, theo dõi tin tức mới nhất về cuộc chiến ở Ukraine.

Tiến sĩ Neliubsiene là một bác sĩ gia đình ở Kaunas, Lithuania. "Tôi chưa bao giờ bị lo âu như vậy trước đây. Nhưng sau tuần đầu tiên của cuộc xung đột Ukraine, tôi bắt đầu nghĩ có lẽ phải uống một vài viên thuốc ngủ từng kê đơn cho bệnh nhân", cô cho biết.

Nhiều người Đông Âu cảm thấy có liên quan sâu sắc với cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù bạo lực chưa lan ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine, nhưng một số người dân ở các nước láng giềng cho biết họ đang lên kế hoạch chi tiết cho chiến tranh, đề phòng nguy cơ chiến sự lan rộng. Và điều đáng lo ngại là họ luôn phàn nàn rằng không thể thoát khỏi ra những tin tức liên tục về chiến tranh.

Một số người thậm chí còn nói rằng họ sợ ngủ quên khi chiến sự bùng phát. Nỗi lo lắng của họ có thể bắt nguồn từ sâu xa, và thậm chí do những sang chấn thế hệ.

Vì cuộc chiến Ukraine ở ngay gần kề, một số người Đông Âu sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến. Hình ảnh về cuộc đổ máu chỉ cách đó hàng trăm km đang khơi lại những ký ức đau thương trong Thế chiến II.

Đông Âu đã bùng lên những tranh cãi về các vụ dân thường bị sát hại tại Bucha (Ukraine), trong đó cả hai bên Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau. "Khi tôi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi không thể cử động được", tiến sĩ Neliubsiene nói. "Gia đình tôi đã không ăn tối hôm đó".

Ám ảnh vì thông tin chiến sự

Theo các cuộc phỏng vấn với hàng chục chuyên gia sức khỏe tâm thần và bệnh nhân từ Đông Âu, mối lo ngại ngày càng leo thang theo tình hình cuộc chiến. Các yêu cầu về thuốc ngủ và các cuộc gọi đến đường dây nóng về khủng hoảng cũng tăng chóng mặt.

Sara Koszeg, một nhà tâm lý học từ Budapest (Hungary), vốn bắt đầu một dự án ghi lại những cơn ác mộng của con người về chiến tranh, cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng sinh học: Lúc nào bạn cũng tỉnh táo, và điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn".

Cô Katarzyna Skorzynska, 34 tuổi, nhà thiết kế thời trang đến từ Warsaw (Ba Lan) cho biết, cô thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, vài giờ trước khi bắt đầu một ngày bình thường.

"Tôi đã cảm thấy quá tải và bất lực", cô nói. "Một khi thức dậy, tôi rất khó để ngủ lại, tôi suy nghĩ miên man".

Và việc cô ấy bắt đầu ngày mới bằng cách xem tin tức cũng chẳng ích gì. "Thức dậy, xem tin tức về ông Zelensky, uống cà phê, đây là thói quen buổi sáng của tôi", cô nói khi nhắc đến Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, người đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông Ba Lan kể từ khi chiến sự bùng nổ cho đến nay.

Việc cập nhật những diễn biến chiến tranh mới nhất đã trở thành nỗi ám ảnh đối với một số người, những người hy vọng rằng làm như vậy sẽ khiến họ cảm thấy mình kiểm soát tốt hơn. Nhưng thực tế là nó đã có tác dụng hoàn toàn ngược lại.

Vytenis Deimantas, 29 tuổi, một nhà khoa học xã hội đến từ Vilnius, thủ đô Lithuania, cho biết, anh khó ngủ do mối lo về chiến sự. "Ngay cả khi đã uống thuốc ngủ, tôi vẫn tỉnh dậy chỉ sau khoảng 5 giờ, trằn trọc, cầm điện thoại và lướt qua các trang web tin tức", anh nói. "Có một cảm giác thực sự bất lực".

Deimantas cho biết trước đây anh chưa bao giờ bị khó ngủ như vậy, nhưng giờ anh nằm thao thức vì lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Những lo lắng này là có cơ sở bởi chính cha của anh từng hứng chịu nỗi đau di chứng sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Các nhà tâm lý học nói rằng vấn đề đặt ra là mối lo của mỗi người là về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Và một trong những triệu chứng thường xuyên nhất là mất ngủ.

Tiến sĩ Neliubsiene đã liên tục nhận được yêu cầu điều trị chứng mất ngủ và lo lắng. Cô đã kê đơn cho họ thuốc giãn cơ để sử dụng trong thời gian ngắn và khuyến nghị mọi người hoạt động thể chất, giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử và các thói quen cố định.

Một trong những bệnh nhân của cô, một phụ nữ khoảng 50 tuổi, đã tâm sự rằng cô rất sợ đi vào giấc ngủ. "Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến sự bùng nổ ở đất nước khi tôi đang ngủ?", tiến sĩ Neliubsiene nhớ lại.

Các nhà tâm lý học cho biết, nhiều người đã quá căng thẳng trong 2 năm bùng nổ đại dịch Covid-19, và nay cuộc xung đột Ukraine càng khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Tomasz Gorecki, một nhà tâm lý học và điều phối viên của đường dây nóng về khủng hoảng chính của Ba Lan, cho biết: "Chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được nhiều cuộc điện thoại yêu cầu tư vấn tâm lý hơn".

Theo NYT