Chiến sự leo thang, Nga cảnh báo nguy cơ Thế chiến 3
(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Mỹ cảnh báo việc Washington cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến xung đột kéo dài và kích động Chiến tranh thế giới thứ ba.
"Trong khi các khoản tiền chưa từng có tiền lệ được phân bổ để cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, các quốc gia nghèo nhất ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á lại không được quan tâm. Có những nơi trên trái đất này con người vẫn chết vì đói. Trong khi đó, Mỹ lại coi việc kéo dài cảnh đổ máu và kích động Chiến tranh thế giới thứ 3 là việc cấp thiết thông qua sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột này", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố hôm 22/6.
"Điều đặc biệt đáng chú ý là sự dễ dàng của người Mỹ trong việc phung phí tiền cho các khách hàng Ukraine. Lầu Năm Góc thậm chí còn "tính toán quá tay" chi phí thiết bị quân sự cung cấp cho Kiev, với sai lầm lên tới vài tỷ USD", ông Antonov nói.
Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 20/6 cho biết đã mắc lỗi tính toán dẫn tới việc các lô vũ khí đã viện trợ cho Ukraine bị tính cao hơn 6,2 tỷ USD so với giá trị thực tế. Điều này dẫn tới việc khoản chênh lệch sẽ tiếp tục được dùng trong các gói viện trợ tương lai cho Ukraine.
Tháng trước, Mỹ thừa nhận hạch toán sai giá trị vũ khí viện trợ cho Ukraine với sai số ước tính sơ bộ là 3 tỷ USD. Trong khi đó, sai số thực tế là 6,2 tỷ USD, gấp đôi ước tính ban đầu.
Do vậy, Lầu Năm Góc có thêm tiền trong ngân sách để hỗ trợ Ukraine thực hiện cuộc phản công chống lại Nga.
Dựa trên các ước tính trước đó được công bố vào ngày 13/6, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 40 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2 năm ngoái. Sau khi tính toán lại, Mỹ thực tế đã cung cấp cho Ukraine ít hơn 34 tỷ USD trong thời gian qua.
Hồi tháng 1, thống kê của hãng tin Tass cho thấy, Kiev đã nhận được 48,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Con số này bằng gần 95% ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022, vào khoảng 51,1 tỷ USD.
Theo Đại sứ Antonov, chính quyền Mỹ "chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì đang xảy ra ở Ukraine" và đó là lý do Mỹ "phải tái thiết" Ukraine.
"Cuộc xung đột ở Ukraine là kết quả của nhiều năm nỗ lực có chủ ý của Mỹ nhằm tạo ra một điểm nóng căng thẳng ở biên giới của chúng tôi, để biến Ukraine thành "bên chống Nga". Hiện nay Mỹ vẫn tích cực kích động đối đầu, bơm vũ khí cho Ukraine và dập tắt mọi sáng kiến hòa bình từ trong trứng nước", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin cho rằng kết quả của chiến dịch phản công hiện tại của Ukraine có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết xung đột.
Theo Đại sứ Kelin, cách tốt nhất cho Ukraine là "duy trì tình trạng trung lập và phi hạt nhân", cũng như không gia nhập NATO. Ông khẳng định "luôn có cơ hội cho các biện pháp ngoại giao", đồng thời nhắc lại rằng Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại và đàm phán, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra lệnh cấm đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.