1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến lược của Trung Quốc tại Shangri-La không thành công?

Kết thúc phiên thảo luận với chủ đề "Củng cố trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương hướng đến giải pháp xung đột và hợp tác chủ động hơn" sáng 31/5, rất nhiều đại biểu tham dự Đối thoại Shangri - La (SLD) lần thứ 14 tại Singapore đã bày tỏ sự thất vọng trước những câu trả lời của Trưởng đoàn Trung Quốc...

... Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trong phần hỏi đáp khi khá nhiều câu hỏi liên quan đến Biển Đông đã bị tránh né với lý do “thời gian hạn hẹp”.

Trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri - La 2015.( Ảnh:
Trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri - La 2015.( Ảnh: Xinhua/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ John Chipman - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - đơn vị đăng cai SLD, cho rằng việc chỉ vài ngày trước diễn đàn, Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng đã tạo ra cơ hội cho tất cả những ai tham dự SLD năm nay được hiểu sâu hơn về văn bản mang tính nền tảng này về chính sách quốc phòng đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Chipman, trưởng đoàn Trung Quốc đã không trả lời một số câu hỏi được đặt ra, "đó là những câu hỏi khó về việc làm thế nào nguyên tắc cùng thắng của Trung Quốc sẽ được thực hiện ở Biển Đông và làm thế nào để sự hợp tác và các nguyên tắc khác mà Trung Quốc đang áp dụng trong các vấn đề quốc tế một lần nữa được thể hiện ở Biển Đông".

Trong khi đó, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là một trong những người đặt câu hỏi với ông Tôn Kiến Quốc song không được trả lời, cho rằng trưởng đoàn Trung Quốc đã được các cộng sự chuẩn bị rất kỹ bài phát biểu của mình, thậm chí còn quá kỹ, bởi ông Tôn Kiến Quốc có một tập tài liệu trước mặt. Bất kể các đại biểu đặt ra câu hỏi nào liên quan đến vấn đề gì thì đại biểu Trung Quốc giở đúng trang về vấn đề đó và đọc. Không có bất kì câu hỏi cụ thể nào được trả lời trực tiếp cả.

Theo bà Glaser, đây không phải là cách hành xử của một cường quốc lớn và nó khiến các đại biểu tham dự SLD năm nay ra về với tâm trạng còn băn khoăn hơn lúc đến. Trung Quốc đang có một kế hoạch, một chiến lược nhằm mở rộng các tuyên bố chủ quyền. Song, dường như Bắc Kinh chẳng thèm quan tâm tới việc các nước còn lại trong khu vực và thế giới thực sự nghĩ gì. Bà Glaser khẳng định điều này là rất đáng lo ngại, và đây là thông điệp tồi tệ mà Trung Quốc đưa ra tại SLD năm nay.

Cũng theo bà Glaser, Trung Quốc năm nào cũng mang tới một chiến lược đối phó với SLD để cố gắng thúc đẩy lợi ích của mình và phản ứng trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Năm 2014, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Vương Quán Trung đã bất ngờ dừng bài phát biểu của mình để chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, bà Glaser cho rằng chiến lược này không hiệu quả lắm do nó quá mang tính đối đầu. Chiến lược năm nay thậm chí còn tệ hơn nữa khi phía Trung Quốc, thông qua những câu trả lời, cho thấy họ không hề có ý định đối thoại với các đại biểu tham dự SLD.

Trong khi đó, ông Len Edwards, cựu Đại sứ Canada và hiện là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI), cho rằng phát biểu năm nay của Trung Quốc không có gì mới, dựa trên lập trường chung lâu nay của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề. Theo ông, người Trung Quốc dường như không quan tâm lắm đến khu vực và đưa ra lí lẽ rất yếu để biện minh rằng những gì họ đang làm ở Biển Đông là vì lợi ích của khu vực, tập trung thể hiện khía cạnh bề ngoài tốt đẹp của những gì họ đang làm trong hoạt động xây dựng trái phép hiện nay.

Cũng qua trao đổi với phóng viên TTXVN, một số đại biểu tham dự cho rằng Mỹ sẽ cần thêm một khoảng thời gian nhất định để đạt được đồng thuận trong chính quyền Obama về cách thức phản ứng với kế hoạch xây đảo nhân tạo hiện nay của Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây, đã có một số động thái cứng rắn hơn từ phía Washington. Tuy nhiên, để điều này phát huy hiệu quả thì Mỹ cần phải tiếp tục duy trì các hành động đó để các nước trong khu vực ghi nhận cam kết đảm bảo tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực của Mỹ. Một khi các nước trong khu vực tán đồng Mỹ làm vậy, sẽ có thêm nhiều nước sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như Australia. Ngoài ra, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần phải tích cực hơn nữa.
Theo TTK/baotintuc.vn