1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đối thoại Shangri-La: Trung Quốc vẫn làm ngơ trước lo ngại của quốc tế

(Dân trí) - Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 khép lại với những bàn thảo sôi nổi về các thách thức toàn cầu, mà nổi bật là an ninh và ổn định trên Biển Đông. Bất chấp sự hối thúc của thế giới, Trung Quốc vẫn phớt lờ và khẳng định tiếp tục những hành động bị lên án.

Đối thoại Shangri-La tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng

Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Đối thoại Shangri-La 2015 diễn ra từ ngày 29 đến 31/5 vừa qua là nơi quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao của 26 quốc gia, cùng các học giả, chuyên gia an ninh để trao đổi quan điểm về các vấn đề đang định hình môi trường an ninh và quân sự trong khu vực.

Đối thoại Shangri-la: Trung Quốc vẫn làm ngơ trước lo ngại của quốc tế
Hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông bị chỉ trích nhiều tại Đối thoại Shangri-La (Ảnh: EPA)

Đến nay, đây được xem như diễn đàn về an ninh và quốc phòng cấp cao nhất châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện đã tiếp đón tổng cộng 450 đại biểu, với số lượng bộ trưởng quốc phòng đông nhất từ trước đến nay, 18 bộ trưởng, trong đó có cả bộ trưởng quốc phòng các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Tseng Hui-Yi, một nhà nghiên cứu tại Viên Đông Á của Đại học quốc gia Singapore nhận định, trao đổi thông tin giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì an ninh trong khu vực. Và dù còn có những khác biệt, việc giữ các kênh đối thoại là cần thiết và Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn để giải tỏa áp lực.

“Cho dù các cuộc đối thoại có dữ dội đến đâu, ít nhất nó vẫn là một dạng của đối thoại”, bà Hui-Yi trả lời hãng Tân Hoa Xã.

Nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, đến từ Trường quốc tế học S. Rajaratnam, thuộc đại học công nghệ Nanyang, Singapore thì tin rằng, sự tham dự của các bên có tranh chấp trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, sẽ giúp các nước hiểu rõ hơn về lập trường của nhau.

Trung Quốc vẫn làm ngơ trước lo ngại của thế giới

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông đã trở thành đề tài bao trùm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 14, mà những hành động xây đảo nhân tạo, đưa vũ khí tới khu vực tranh chấp của Trung Quốc chính là tâm điểm của các bàn thảo và chỉ trích.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố “đặc biệt lo ngại” về quy mô hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, mà ông khẳng định là rầm rộ hơn bất kỳ bên liên quan nào, và cảnh báo việc này sẽ làm gia tăng "nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột".

“Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguyên nhân gây căng thẳng ở khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chất vấn đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay hành động này.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cũng khẳng định: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông”, và tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay tuần tra khu vực này, bất chấp vụ việc một máy bay do thám của hải quân Mỹ bị hải quân Trung Quốc “xua đuổi” khi đang trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thì kêu gọi các bên có tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, “hành xử có trách nhiệm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thì bày tỏ lo ngại những bất đồng trên Biển Đông có thể “leo thang thành một cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là nhất trong lịch sử”.

Vậy nhưng, trước những ý kiến quan ngại của các đoàn đại biểu dự hội nghị, Trung Quốc, nước có hành động gây qua ngại nhất, lại tỏ thái độ phớt lờ. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thậm chí khẳng định tình hình khu vực về cơ bản “ổn định và hòa bình”, và bác yêu cầu ngừng hoạt động cải tạo trái phép các đảo, bãi đá ngầm mà nước này chiếm đóng.

Vị đại diện của Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này có thể sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, nếu các nhu cầu về an ninh trên không hoặc trên biển tại khu vực đòi hỏi.

Theo bình luận của tờ Interpreter, trực thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Lowy, tại Sydney, Úc thông điệp của Bắc Kinh là rõ ràng: “Biển Đông là của chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm những gì mình muốn tại đó”.

Né tránh câu hỏi và chỉ chăm chú… đọc

Khác với năm ngoái, ông Tôn cũng không đi thẳng vào phản biện những chỉ trích từ các bên trong bài phát biểu của mình, mà chỉ “dính chặt lấy văn bản chuẩn bị sẵn”, với cam kết về những ý đồ hòa bình của Trung Quốc, nhấn mạnh thiện chí sẵn sàng đảm bảo an ninh, đồng thời quả quyết hành động của nước mình trên Biển Đông là “hợp pháp, hợp lý và đúng đắn”.

Tuy nhiên, khi được một chuyên gia từ Viện Lowry đề nghị giải thích vì sao việc quân đội Trung Quốc yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực Trung Quốc miêu tả là “vùng cảnh báo quân sự”, mà thực chất theo luật pháp quốc tế là không phận quốc tế, lại không bị xem là thách thức với tự do đi lại trên Biển Đông, ông Tôn lại hầu như né tránh và chỉ diễn giải về việc không có đủ thời gian để trả lời đầy đủ.

Theo tiến sỹ Merriden Varrall đến từ Viện Lowry, những bình luận của ông Tôn, và cả việc không trả lời các câu hỏi, không mấy đáng ngạc nhiên nhưng đáng thất vọng. Bởi Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để giải tỏa những mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về Biển Đông.

“Ông Tôn khiến Trung Quốc không có vẻ gì là một bên tự tin và tinh tế trong các vấn đề quốc tế, với sự quan tâm thực chất dành cho các vấn đề của khu vực”, bà Varrall nhận định.

Và chuyên gia này cho rằng, điều này cũng dễ hiểu bởi mục đích số một của Trung Quốc tại diễn đàn này là khiến dư luận trong nước hiểu về sự kiện này. Và việc lặp lại các quy tắc và ví dụ về trách nhiệm toàn cầu của Trung Quốc tại diễn đàn này sẽ được dư luận trong nước đón nhận nồng nhiệt.

Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về Đông Á của chính phủ Mỹ, đồng thời là thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), tại Mỹ thì tin rằng, ông Tôn đã khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu tại Đối thoại Shangri-La, khi từ chối trả lời trực tiếp hơn một chục câu hỏi sau khi phát biểu. Thay vào đó ông chỉ cắm cúi vào tập tài liệu được chuẩn bị sẵn cho từng chủ đề, và đọc từ đó.

Ngay cả trước một câu hỏi đơn giản của phóng viên Bloomberg Josh Rogin rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với ai và có ai ngoài Trung Quốc đang chiến thắng trên Biển Đông, ông Tôn cũng từ chối trả lời.

Trong cuộc trao đổi kín vào bà Glaser sau đó, các thành viên của phái đoàn quân đội Trung Quốc mới giãi bày rằng, họ đã cố hối thúc vị trưởng đoàn trả lời trực tiếp và ngay lập tức các câu hỏi, nhưng ông Tôn “không thấy thoải mái khi làm vậy”. Họ cũng giải thích rằng vị đô đốc rất ít kinh nghiệm tại các hội thảo quốc tế, và hy vọng nếu có dự Đối thoại Shangri-La năm tới, có thể sẽ bớt căng thẳng hơn.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm