1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến dịch tìm kiếm MH370: Triển khai tàu lặn tìm dưới đáy biển

(Dân trí) - Đúng một tháng sau khi chuyến bay MH370 mất tích, chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ bước vào giai đoạn dưới mặt nước, với một tàu lặn không người lái được triển khai để tìm mảnh vỡ dưới biển.

Theo hãng tin AFP, trong ngày hôm nay (8/4), vẫn sẽ có 11 máy bay quân sự và 3 máy bay dân sự cùng 14 tàu dự kiến được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích lớn chưa từng có, trên diện tích khoảng 78.000 km2 tại Ấn Độ Dương.

Ông Angus Houston tin rằng đã tiến rất gần việc tìm thấy máy bay mất tích
Ông Angus Houston tin rằng đã tiến rất gần việc tìm thấy máy bay mất tích

Tuy nhiên theo đánh giá của công Angus Houston, chỉ huy Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp (JACC), cơ hội tìm thấy các mảnh vỡ đang giảm cùng thời gian, do dòng chảy của biển cùng cơn bão đã xảy ra tại đây tuần vừa qua.

Cùng với việc tàu tìm kiếm đã bắt được những tín hiệu xung điện nghi của hộp đen máy bay trên vùng biển nghi vấn, một tàu ngầm không người lái trang bị hệ thống dò tìm bằng sóng âm sonar có thể được triển khai trong hôm nay.

Trả lời phỏng vấn kênh ABC của Úc sáng nay (8/4), ông Houston cho biết: “Điều chúng tôi cần vào lúc này đó là một sự xác nhận chắc chắn hơn bằng hình ảnh về việc tìm thấy thứ gì đó. Một vài mảnh vỡ, có lẽ là ở đáy biển, hoặc một vài mảnh vỡ trên mặt nước”.

Ông cho rằng, khả năng tìm thấy thứ gì đó trên mặt biển “đang sụt giảm cùng thời gian”, có nghĩa là tàu ngầm không người lái Bluefin-21 có khả năng được đưa xuống biển để tìm mảnh vỡ.

Đã bước sang ngày thứ 32 kể từ thời điểm chuyến bay MH370 mất tích. Điều đó có nghĩa là pin của hộp đen, vốn được thiết kế với thời gian hoạt động 30 ngày, có thể đã ngừng hoạt động.

Mọi hy vọng tìm máy bay dưới đáy biển giờ sẽ phụ thuộc vào thiết bị lặn Bluefin 21
Mọi hy vọng tìm máy bay dưới đáy biển giờ sẽ phụ thuộc vào thiết bị lặn Bluefin 21

“Do đó có khả năng bộ phát tín hiệu định vị sắp hoặc đã ngừng phát tín hiệu”, vị cựu tư lệnh không quân Úc nói. “Tôi nghĩ điều bắt buộc là phải tìm được thứ gì đó khác, và hy vọng rằng khi chúng ta đưa thiết bị xuống biển, nó có khả năng sẽ tìm thấy mảnh vỡ”.

Dù vậy, ông Houston cảnh báo rằng độ sâu vùng biển tìm kiếm lến tới 4500m, bằng với tầm hoạt động tối đa của Bluefin-21

“Nó không thể xuống sâu hơn thế, do đó thật khó tin khi tất cả các yếu tố này cuối cùng lại cân bằng đến vậy. Tôi sẽ nhấn mạnh những gì tôi đã nói hôm qua, đó là không việc gì có thể tiến triển nhanh một khi bạn làm việc ở độ sâu 4.500m. Đó là một quá trình cần sự cẩn trọng, đặc biệt khi bắt đầu tìm kiếm sâu dưới đáy biển”.

Bluefin-21 về cơ bản hoạt động như một thiết bị sonar, với thời gian hoạt động 20 giờ liên tục. Nếu phát hiện điều gì bất thường ở đáy biển, tàu sẽ được cho nổi lên để gắn một camera sau đó lặn trở lại để ghi hình khu vực có bất thường.

“Chúng ta không thể gắn sonar ở một bên và camera ở bên còn lại. Chỉ có thể chọn một trong hai”, ông Houston lý giải. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện từng cuộc tìm kiếm cho đến khi thu được bằng chứng có gì đó bất thường ở đáy biển. Khi đó một camera sẽ được đưa xuống. Điều chúng tôi đang tìm kiếm là một mảnh vỡ, hoặc một khu vực đầy mảnh vỡ như mọi người thường nói”.

Ngoài khu vực tìm kiếm nơi tàu Ocean Shield của Úc đang rà soát, còn một khu vực tìm kiếm thứ hai nữa tại nơi một tàu của Trung Quốc thu được tín hiệu xung điện cách đó 600km về phía Nam. Tàu Hải Tuần 01 cho biết tín hiệu thu được có tần số 37,5 kHz, khớp với tín hiệu được phát đi bởi hộp đen máy bay.

Ông Houston khẳng định các phát hiện của tàu Úc và tàu Trung Quốc đều nằm trong khu vực được các phân tích dữ liệu radar và vệ tinh chỉ ra, nhưng manh mối của tàu Ocean Shield hiện là hứa hẹn nhất.

Thanh Tùng
Tổng hợp