1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến dịch tìm kiếm đội bóng Thái Lan mắc kẹt: “Như một bộ phim”

(Dân trí) - Tại một bãi đất trống ở chân núi Nang Non, các binh sĩ, nhân viên y tế và lực lượng cứu hộ ngồi cùng nhau bên cạnh tiếng kêu của máy phát điện và tiếng nước chảy. Tất cả đều chờ đợi những tin tức tốt lành về đội bóng đang bị mắc kẹt trong hang Tham Luang Nang Non.

Các thành viên của đôi bóng bị mắc kẹt chào đội cứu hộ khi được tiếp tế các vật dụng hôm 3/7 (Ảnh: Reuters)
Các thành viên của đôi bóng bị mắc kẹt chào đội cứu hộ khi được tiếp tế các vật dụng hôm 3/7 (Ảnh: Reuters)

Vài giờ trước đó, 12 thành viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên đã được tìm thấy còn sống sót trong hang Tham Luang ngập nước sau 9 ngày bị mắc kẹt. Từ một chiến dịch tìm kiếm ban đầu, lực lượng cứu hộ đã chuyển thành một chiến dịch giải cứu. Những người có mặt tại trạm cứu hộ được lập ra sau ngày đội bóng mất tích cho biết, họ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng rằng những đứa trẻ bị mắc kẹt sẽ được đưa ra ngoài an toàn.

“Một điều mà tôi muốn nói về trạm cứu hộ đó là tất cả chúng tôi ở đây như một gia đình, phối hợp cùng nhau. Và tôi chưa bao giờ nhận thấy có bất kỳ ai bị xuống tinh thần. Thực tế, tôi cảm nhận được niềm hy vọng mạnh mẽ”, Đại úy Không quân Mỹ Jessica Tait, một thành viên của đơn vị gồm các thợ lặn, nhân viên y tế và chuyên gia về sinh tồn được mời tới khu vực cứu hộ từ cuối tuần trước theo đề nghị của chính phủ Thái Lan, cho biết.

“Khi chúng tôi nghe được tin tốt lành, cảm giác giống như một bộ phim vậy. Tôi run lên khi nghĩ về khoảnh khắc đó, về việc chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và thu lại kết quả tích cực”, Đại úy Tait nói.

Các thợ lặn nước ngoài và tình nguyện viên Thái Lan tại khu vực cứu hộ (Ảnh: Reuters)
Các thợ lặn nước ngoài và tình nguyện viên Thái Lan tại khu vực cứu hộ (Ảnh: Reuters)

Không chỉ đội cứu hộ cảm nhận được niềm hy vọng về ngày trở về của đội bóng, mà hàng chục tình nguyện viên từ khắp mọi nơi trên đất nước Thái Lan cũng cảm nhận được điều đó khi họ đổ về núi Nang Non để đóng góp sức lực vào nỗ lực cứu hộ.

Bà Wisalaya, ngoài 50 tuổi, sống ở huyện Mae Sai lân cận, là một trong số các thành viên của đội tình nguyện. Bà đã cùng các tình nguyện viên dựng các bếp tạm tại khu vực cứu hộ để phát đồ ăn miễn phí cho bất kỳ ai đi ngang qua. Hình ảnh xuất hiện xuyên suốt trong những ngày diễn ra chiến dịch giải cứu là các binh sĩ, nhân viên y tế và phóng viên cầm trên tay những tô mì khi hai chân vẫn đang đứng ngập trong bùn.

Đại úy Tait cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các tình nguyện viên. Cô nói: “Tất cả mọi người ở đây đều làm việc 24/7, vì thế chúng tôi rõ ràng phải ăn rất nhiều. Người Thái luôn mang đồ ăn tới cho chúng tôi. Hành động này rất đẹp vì tôi thực sự nghĩ rằng điều đó thể hiện sự hiếu khách của họ, và chúng tôi cảm kích tình hữu nghị như vậy”.

Theo Đại úy Tait, nguồn cảm hứng từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt tại Thái Lan là điều cần thiết.

“Đây là chiến dịch giải cứu đa quốc gia do Thái Lan dẫn đầu. Và điều tuyệt vời là bạn có thể nhìn thấy các thợ lặn người Mỹ, Australia, Trung Quốc và Anh ở đây. Điều đó cho thấy khi các lực lượng quân sự được huấn luyện cùng nhau, đó là để phục vụ cho thế giới thực sự”, Đại úy Tait nhấn mạnh.

Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế

Các thợ lặn Australia tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan (Ảnh: Nation)
Các thợ lặn Australia tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan (Ảnh: Nation)

Chiến dịch tìm kiếm đội bóng Thái Lan đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Ít nhất 8 nước đã cử lực lượng tới giúp đỡ chính phủ Thái Lan và tất cả đều là những chuyên gia cứu hộ và thợ lặn hang hàng đầu thế giới.

Tổ chức Cứu hộ Hang động Derbyshire có trụ sở tại Anh là một trong những đơn vị đầu tiên cử một nhóm gồm 3 chuyên gia tới hiện trường xảy ra vụ mất tích. Hai thợ lặn người Anh, John Volanthen và Richard Stanton, là hai người đầu tiên tìm thấy các thành viên trong đội bóng tại một mô đất khô ráo cách cửa hang Tham Luang gần 5km. Họ là các thành viên của Đội Cứu hộ Hang động Mid Wales và từng tham gia giải cứu một thợ lặn bị mắc kẹt tại Pháp hồi năm 2010.

Chuyên gia người Anh thứ ba là Robert Harper. Ông Stanton là lính cứu hỏa tại Anh và từng tham gia chiến dịch giải cứu 13 nhà thám hiểm hang động Anh tại Mexico năm 2004.

Ngoài ra, các đội cứu hộ hang động từ Trung Quốc, Lào, Đức và Bỉ cũng phối hợp cùng lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan trong quá trình lặn vào hang ngập nước để tìm kiếm 13 người mất tích.


Đội cứu hộ Đức bơm đầy các bình ô xy phục vụ cho việc lặn trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

Đội cứu hộ Đức bơm đầy các bình ô xy phục vụ cho việc lặn trong hang Tham Luang (Ảnh: Nation)

6 chuyên gia từ Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm trong các sứ mệnh cứu hộ và từng giải cứu thành công các nạn nhân bị mắc kẹt trong hang động tại Myanmar và Nepal trước đây. Họ cũng mang theo các trang thiết bị chuyên dụng như robot lặn dưới nước, bình nén khí lặn và quang phổ kế 3 chiều để phục vụ cho công tác tìm kiếm tại hang Tham Luang.

Lào cũng cử một đội giải cứu đến trợ giúp quốc gia láng giềng Thái Lan từ ngày 26/6. Các thành viên của đội cứu hộ Đức gồm những chuyên gia lặn độc lập và những nhân sự giúp bơm đầy các bình khí ô xy phục vụ cho đội lặn tại hang Tham Luang.

Một số nước cũng cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ cho chính phủ Thái Lan. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã đưa hai máy bơm công suất lớn tới khu vực hang Tham Luang và hai chuyên gia từ cơ quan này đã tư vấn để giúp Thái Lan bơm nước ra khỏi hang, từ đó hỗ trợ cho đội cứu hộ tiếp cận sâu hơn trong hang.

Các chuyên gia nước ngoài khác cũng có mặt khu vực cứu hộ, gồm các đội thợ lặn và cứu hộ từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) cũng các đội của Anh. PACOM đã mang theo các thiết bị công nghệ cao để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, gồm máy quét hồng ngoại 3D và vệ tinh được kết nối với các trạm khảo sát địa chất. Ngoài ra, một công ty về an ninh từ Israel cũng cử một nhóm tới Thái Lan, giúp lực lượng cứu hộ tìm kiếm các lối vào khác tại hang Tham Luang ngoài khu vực cửa hang.

Thành Đạt

Theo Guardian, Nation