1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến dịch Bão táp Sa mạc đánh bật quân đội Iraq ra khỏi Kuwait 1991

Năm 2016 là tròn 25 năm kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu thực hiện Chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lại lực lượng quân sự Iraq chiếm đóng Kuwait.

Năm 1990 mâu thuẫn bùng phát ở vùng vịnh Persian. Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein tố cáo nước láng giềng Kuwait bí mật hút dầu thô của nước ông từ mỏ dầu tranh chấp Rumaila.

Xe quân sự Mỹ và xe tăng Saudi Arabia tiến về thành phố Kuwait trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: AFP.
Xe quân sự Mỹ và xe tăng Saudi Arabia tiến về thành phố Kuwait trong chiến dịch Bão táp Sa mạc. Ảnh: AFP.

Ngày 1/8 năm đó, Iraq yêu cầu Kuwait xóa các khoản nợ chiến tranh của Iraq và thanh toán 2,5 tỷ USD đền bù cho lượng dầu sản xuất ở Rumaila. Khi Kuwait từ chối các yêu cầu đó, quân đội Iraq lập tức chiếm đóng đất nước này ngay ngày hôm sau. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu rút các lực lượng quân sự của Iraq ra khỏi Kuwait và đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Baghdad.

Ngày 29/11/1990, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 678. Theo đó, Iraq đến ngày 15/1 phải rút quân khỏi Kuwait và các nước khác có quyền sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết” để đẩy lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait sau thời hạn trên. Trên tinh thần nghị quyết này, người ta đã lập ra một liên minh chống Iraq bao gồm 34 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Australia cũng như một vài nước Arab và Đông Âu.

Liên Xô không tham gia vào liên minh này. Moscow ủng hộ các chế tài trừng phạt do Liên Hợp Quốc đặt ra, ủng hộ việc sử dụng các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Ủy ban Tham mưu Quân sự để giải quyết xung đột trên. Moscow cũng kêu gọi giải quyết xung đột bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Lúc 0h sáng ngày 17/1/1991 (sau khi hết thời hạn một ngày), liên quân mở chiến dịch Bão táp Sa mạc. Chiến dịch này kéo dài trong 41 ngày, bao gồm một cuộc tiến công đường không (từ ngày 17/1-23/2) và một cuộc tiến công trên bộ với sự hỗ trợ của không quân (từ ngày 24-28/2).

Mỹ và đồng minh đã triển khai các lực lượng quan trọng tới gần biên giới với Iraq, gồm khoảng 600.000 sĩ quan và binh lính, trên 4.000 xe tăng, hơn 3.700 pháo mặt đất và súng cối, khoảng 2.000 máy bay cánh cố định và trên 100 chiến hạm. Mỹ đóng góp khoảng 80% tổng số nhân lực và vũ khí.

Phía Iraq đông quân hơn nhưng vũ khí kém hiện đại hơn

Iraq lợi thế hơn một chút về nhân lực, xe tăng và pháo (cụ thể, họ có hơn 700.000 lính và sĩ quan, khoảng 5.000 xe tăng, hơn 8.000 pháo mặt đất và súng cối). Tuy nhiên, Iraq chỉ có khoảng 700 máy bay chiến đấu và 10 chiến hạm. Đã vậy, nếu xét về vũ khí hiện đại thì không quân Iraq bị đối phương vượt trội tới 13 lần. Ngoài ra liên quân còn có trực thăng chiến đấu hiện đại với số lượng nhiều gấp 16 lần đối phương và số lượng xe tăng hiện đại nhiều gấp 4,3 lần.

Ngày 17/1, liên quân mở một cuôc tấn công tổng lực bất ngờ vào Iraq bằng không quân. Trong 3 ngày đầu tiên, phi cơ của liên quân đánh trúng các trung tâm chỉ huy, đơn vị phòng không, các bãi phóng tên lửa tầm ngắn, căn cứ không quân, các cơ sở “hạt nhân và hóa học”.

Sau đó liên minh tập trung đánh phá các yếu tố then chốt trong hạ tầng quân sự và công nghiệp của Iraq. Trước khi mở cuộc tiến công trên bộ, máy bay phản lực và trực thăng của liên quân bắt đầu oanh kích các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới của địch ở Kuwait và miền nam Iraq.

Lực lượng phòng không của Iraq bị thiệt hại nặng trong các giờ giao tranh đầu tiên và gần như bị vô hiệu hóa.

Vào các ngày 30-31/1/1991, các đơn vị tuần tra chiến đấu của Iraq bất thành trong nỗ lực xâm nhập Saudi Arabia.

Các tướng Iraq mở tới 60 cuộc tấn công tên lửa vào Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên các cuộc tấn công này không hiệu quả do năng lực phòng thủ tên lửa của liên quân.

Liên minh chống Iraq khởi động các chiến dịch trên bộ vào ngày 24/2. Đúng ngày đó, khoảng 2 tiểu đoàn của Sư đoàn đổ bộ đường không 82 của lục quân Mỹ đã đổ bộ xuống quận phía nam của thành phố Kuwait, thủ đô của Kuwait và mở màn cuộc tiến công.

Cùng lúc đó, các cuộc đổ bộ đường biển chiến thuật đã được tiến hành trên các đảo duyên hải và một số khu vực thuộc bờ biển phía đông Kuwait. Vào cuối ngày 24/2, liên quân đã tiến được khoảng 48km.

Ngày 25/2 liên quân chọc thủng các vị trí phòng thủ của quân đoàn 3 và 7 của quân Iraq ở Kuwait. Một cầu hàng không bằng trực thăng đã được thiết lập để đẩy mạnh cuộc tấn công ở khu vực Basra.

Ngày hôm sau, liên quân tái chiếm thành phố Kuwait. Trực thăng đổ 2 tiểu đoàn lính dù án ngữ xa lộ Basra-Baghdad ở Iraq.

Quân Iraq chết hàng chục ngàn người trong hơn 1 tháng

Kuwait hoàn toàn giải phóng vào ngày 27/2. Liên quân giao chiến với các quân nhân thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq gần Basra. Quân đội Iraq bắt đầu rút lui và cuộc triệt thoái này nhanh chóng rơi vào hỗn loạn.

Giao tranh tạm ngừng vào ngày 28/2/1991. Một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 6/3.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh, liên minh chống Iraq hoàn thành các mục tiêu chiến lược, đuổi được quân Iraq ra khỏi Kuwait và khôi phục lại chủ quyền cho nước này. Tuy nhiên, chính thể của ông Hussein và tiềm lực của quân đội Iraq vẫn gần như còn nguyên vẹn.

Theo các ước tính khác nhau, có tới 60.000 quân Iraq tử trận, bị thương trong tác chiến hoặc bị bắt làm tù binh.

Lực lượng Iraq cũng bị mất khoảng 3.800 xe tăng, hơn 1.400 xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, khoảng 2.900 khẩu pháo, và khoảng 360 máy bay cánh cố định.

Trong khi đó, phía liên quân do Mỹ đứng đầu chỉ có khoảng 300 lính tử trận và hơn 600 người bị thương trong quá trình tác chiến, cùng hơn 50 quân nhân bị mất tích. Tổng cộng phía liên quân bị mất 69 máy bay chiến đấu và 28 trực thăng tấn công và vận tải.

Hiện vẫn còn tranh cãi về số thương vong dân thường. Một số nguồn tin cho rằng có từ 100.000-200.000 người bị thương vong. Theo các con số chính thức của chính phủ Iraq, có hơn 2.300 người thiệt mạng trong các vụ không kích.

Khoảng 85% công ty công nghiệp ở Iraq đã bị phá hủy hoặc chịu hư hại lớn. Các công ty ngành dầu mỏ nằm trong số các công ty chịu nhiều thiệt hại nhất. Năm 1990, Iraq có 820 mỏ dầu hoạt động, sau chiến tranh chỉ còn 58 mỏ nguyên vẹn.

Tuy nhiên thiệt hại từ các chế tài trừng phạt Iraq do Liên Hợp Quốc áp đặt còn lớn hơn cả thiệt hại do giao tranh ở đây gây ra. Trong khoảng thời gian cấm vận kinh tế kéo dài 13 năm, chỉ riêng việc xuất khẩu dầu giảm đã lấy đi của Baghdad hơn 200 tỷ USD. Theo một số ước tính, trong thời kỳ này dân chúng Iraq chỉ nhận được khoảng 10% tổng số lương thực và thuốc men mà họ cần./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/ Sputnik News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm