1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến công của 1.000 người làm nên kỳ tích Tham Luang

(Dân trí) - Phía sau chiến dịch giải cứu thành công đội bóng Lợn Rừng bị mắc kẹt trong hang Tham Luang tại tỉnh Chiang Rai là sự đóng góp của hơn 1.000 người với những nỗ lực không mệt mỏi suốt 18 ngày liên tục.

Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan thành công nhờ sự góp sức của hơn 1.000 người trong suốt nhiều ngày (Ảnh: Bangkok Post)
Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan thành công nhờ sự góp sức của hơn 1.000 người trong suốt nhiều ngày (Ảnh: Bangkok Post)

Chỉ huy chiến dịch

Trên cương vị chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Narongsak Osotthanakorn đóng vai trò quan trọng vào thành công của kỳ tích Tham Luang. Kỹ năng lãnh đạo quyết đoán của ông Narongsak trong việc chỉ đạo và điều phối chiến dịch giải cứu với sự tham gia của cả đội cứu hộ Thái Lan và các thợ lặn hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đã được đánh giá cao cả ở trong và ngoài nước.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với ABC News, cựu Phó Đô đốc Đặc nhiệm Hải quân Mỹ Robert Harward cũng dành lời khen cho kỹ năng lãnh đạo của ông Narongsak. Ngay từ khi khởi động chiến dịch cứu hộ, ông Narongsak, 53 tuổi, đã tuyên bố rằng bất kỳ quan chức nào cảm thấy nản lòng trước nhiệm vụ giải cứu khó khăn trước mắt đều có thể về nhà.

Ông Narongsak Osotthanakorn phát biểu trong cuộc họp báo về vụ giải cứu đội bóng Thái Lan (Ảnh: Getty)
Ông Narongsak Osotthanakorn phát biểu trong cuộc họp báo về vụ giải cứu đội bóng Thái Lan (Ảnh: Getty)

“Bất kỳ ai không có đủ sự hy sinh đều có thể về nhà và ở lại cùng gia đình của các bạn. Các bạn có thể xin ra ngoài và rời đi ngay lập tức. Còn với những ai muốn làm việc, các bạn hãy sẵn sàng vào bất kỳ lúc nào. Hãy xem bọn trẻ (đội bóng) như con mình”, ông Narongsak tuyên bố.

Đối với đồng nghiệp và cấp dưới, ông Narongsak nổi tiếng là người có tác phong làm việc nghiêm khắc, thẳng thắn và thận trọng. Chính kỹ năng lãnh đạo của ông đã làm nên thành công của chiến dịch giải cứu.

“Ông ấy xuất hiện đúng thời điểm và đảm nhiệm đúng vị trí”, một nguồn tin nhận định.

Lực lượng vũ trang

Đặc nhiệm Thái Lan bám dây thừng lặn qua lối đi ngập nước trong hang (Ảnh: Reuters)
Đặc nhiệm Thái Lan bám dây thừng lặn qua lối đi ngập nước trong hang (Ảnh: Reuters)

Các quân nhân và nguồn lực từ tất cả các nhánh trong Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã được triển khai để tham gia vào chiến dịch giải cứu đội bóng trong nhiều vai trò khác nhau.

Vào ngày 24/6, một ngày sau khi đội bóng Thái Lan bị phát hiện mất tích, đội cứu hộ địa phương ở Chiang Rai đã kêu gọi sự hỗ trợ từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Ngay sáng hôm sau, đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan xuất phát từ căn cứ tại Chon Buri đã có mặt tại hang Tham Luang và bắt đầu lên kế hoạch giải cứu đội bóng.

Trong số 84 đặc nhiệm SEAL được cử tới tham gia chiến dịch giải cứu, bác sĩ quân y, trung tá Pak Loharachun được cho là người duy nhất trong đội của Thái Lan có thể vừa lặn vừa hỗ trợ chăm sóc y tế cơ bản cho 13 người bị mắc kẹt trong hang sâu ngập nước. Trung tá Pak từng trải qua khóa huấn luyện quân sự gắt gao và có thể đảm nhận vai trò của một đặc nhiệm.

Hành trình gian nan của đội cứu hộ trong hang Tham Luang

Sau khi hai thợ lặn Anh phát hiện vị trí của đội bóng trong hang Tham Luang hôm 2/7, trung tá Pak đã lặn vào trong hang để chăm sóc cho các thành viên trong đội bóng ngay tại mô đất nơi họ trú chân.

Sau khi 4 cầu thủ cuối cùng và huấn luyện viên được giải cứu vào tối 10/7, trung tá Pak cũng ra khỏi hang cùng 3 đặc nhiệm SEAL khác và nhận được sự tán dương từ những người chờ bên ngoài cửa hang. Họ được xem như những người hùng.

Tuy vậy, đội đặc nhiệm SEAL cũng đón một tin buồn khi cựu đặc nhiệm Saman Gunan thiệt mạng trong lúc đặt các bình oxy trong hang hôm 6/7.

Thợ lặn

Thợ lặn Richard Stanton (trái) và John Volanthen (phải) chuẩn bị đồ nghề khi tới hang Tham Luang để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt (Ảnh: AFP)
Thợ lặn Richard Stanton (trái) và John Volanthen (phải) chuẩn bị đồ nghề khi tới hang Tham Luang để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt (Ảnh: AFP)

Các thợ lặn hang động hàng đầu thế giới đã đổ về Thái Lan để góp sức trong chiến dịch giải cứu đội bóng.

Hai thợ lặn Anh John Volanthen và Richard Stanton là hai người đầu tiên phát hiện ra đội bóng trong hang Tham Luang. Ngoài ra, các thợ lặn khác từ Anh, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia vào chiến dịch này.

Thợ lặn giàu kinh nghiệm đồng thời là bác sĩ gây mê người Australia, ông Richard Harris, là người đã đưa ra những quyết định quan trọng, đóng góp vào thành công của chiến dịch giải cứu đội bóng bị mắc kẹt.

Cận cảnh khoảnh khắc đặc nhiệm Thái Lan giải cứu đội bóng nhí khỏi hang

Tình nguyện viên


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trực tiếp thị sát khu vực bếp ăn do các tình nguyện viên phục vụ tại hiện trường cuộc giải cứu ở hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trực tiếp thị sát khu vực bếp ăn do các tình nguyện viên phục vụ tại hiện trường cuộc giải cứu ở hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Việc đưa 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ra ngoài sẽ không thể khả thi nếu mực nước trong hang vẫn cao và chảy mạnh. Do vậy, không thể không nhắc tới vai trò của các tình nguyện viên - những người giúp bơm nước từ trong hang ra ngoài.

Cơ quan nguồn nước ngầm Thái Lan cho biết cần bơm 56,6 triệu lít nước ra khỏi hang Tham Luang. Với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, mục tiêu này đã trở nên dễ dàng hơn.

Các tình nguyện viên khác tham gia chiến dịch giải cứu tại hang Tham Luang là những thợ leo núi địa phương, trong đó có 18 thợ săn tổ yến từ đảo Koh Libong. Hàng ngày, các tình nguyện viên này leo lên các vách núi để tìm thêm lối đi vào hang Tham Luang, từ đó mở thêm đường tới vị trí của đội bóng.

Các đội hỗ trợ khác phải kể tới gồm các quan chức, nhân viên từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân - những người hỗ trợ cấp điện, cơ sở vật chất, dịch vụ y tế và hậu cần cho chiến dịch giải cứu. Ngoài ra, nhiều người dân cũng sẵn sàng hỗ trợ nấu ăn, giặt là hay dọn dẹp giúp đội cứu hộ tại hang Tham Luang.

Nông dân

Nỗ lực bơm nước ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Nỗ lực bơm nước ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Nhiều nông dân đã từ chối khoản tiền bồi thường về những thiệt hại gây ra sau khi đội cứu hộ bơm nước từ trong hang Tham Luang ra những mảnh ruộng của họ khiến hoa màu bị hư hại. Những người nông dân nói rằng mạng sống của đội bóng quan trọng hơn nhiều so với thóc lúa hay tiền bạc.

Hơn 600.000 m3 nước đã được bơm từ hang Tham Luang và làm ngập nhiều ruộng lúa của 101 nông dân. Chính phủ Thái Lan đã đề nghị bồi thường cho dân nhưng họ đã từ chối.

“Số tiền này nên được sử dụng cho những mục đích khác phục vụ lợi ích của cộng đồng. Vẫn còn nhiều người ở ngoài kia cần số tiền đó hơn chúng tôi”, một nông dân chia sẻ.

Thành Đạt

Theo Bangkok Post