Châu Phi phản đối Trung Quốc phân biệt đối xử công dân
(Dân trí) - Các đại sứ châu Phi tại Trung Quốc đã thư gửi tới Ngoại trưởng nước này để phản đối "sự phân biệt đối xử" đối với người châu Phi.
Reuters đưa tin, vài quốc gia châu Phi đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết các lo ngại của họ rằng người châu Phi, đặc biệt tại thành phố Quảng Châu ở miền nam nước này, đang bị phân biệt đối xử và quấy rối.
Sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh tại tâm dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc giờ đang lo ngại về các ca ngoại nhập và đã thắt chặt kiểm soát biên giới. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc phân biệt đối xử trong khi tăng cường các biện pháp xử lý người nước ngoài không tuân thủ kiểm dịch.
Trong những ngày gần đây, nhiều người châu Phi tại Quảng Châu đã báo cáo tình trạng họ bị chủ nhà đuổi ra khỏi các căn hộ đang thuê, bị xét nghiệm Covid-19 vài lần mà không được thông báo kết quả, bị xa lánh và phân biệt đối xử nơi công cộng. Những cáo buộc này đã được báo chí địa phương và mạng xã hội đăng tải.
Theo Reuters, bức thư của các đại sứ nói rằng “sự kỳ thị và phân biệt đối xử” như vậy đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng người châu Phi đang phát tán virus này.
“Nhóm các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh ngay lập tức yêu cầu chấm dứt việc thử nghiệm ép buộc, cách ly và các biện pháp đối xử vô nhân đạo khác nhằm vào người châu Phi”, bức thư viết.
Bức thư trên đã được gửi tới nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị, và bản sao của nó cũng được gửi tới Liên minh châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và tất cả các ngoại trưởng châu Phi.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm nay, một quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc cho hay Quảng Châu đang thực hiện các biện pháp chống dịch đối với bất kỳ ai từ nước ngoài đến thành phố này, không kể quốc tịch, giới tính hay chủng tộc.
Bức thư của các ngoại trưởng cũng nêu ra một số vụ việc được đưa tin gần đây, trong đó có các trường hợp người châu Phi bị đuổi khỏi khách sạn giữa đêm, bị tịch thu hộ chiếu, đe dọa thu hồi thị thực, bị bắt hoặc trục xuất.
Ngoại trưởng Ghana Shirley Ayorkor Botchwey ngày 11/4 cho biết bà đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối về sự bất bình của bà và kêu gọi hành động ngay tức thì.
Bộ Ngoại giao Kenya cũng bày tỏ “lo ngại chính thức” và cho biết chính phủ đang phối hợp với giới chức Trung Quốc để giải quyết các vấn đề.
Ngày 10/4, nghị sĩ Nigeria Akinola Alabi đã đăng tải một video về cuộc gặp giữa lãnh đạo hạ viện Nigeria Femi Gbajabiamila và đại sứ Trung Quốc Zhou Pingjian, trong đó ông Gbajabiamila đề nghị nhà ngoại giao Trung Quốc giải thích về các cáo buộc kỳ thị đối với người Nigeria tại Trung Quốc.
An Bình
Theo Reuters