1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Ấn Độ - Pakistan
  3. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  4. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine

Châu Âu sẽ tốn kém ra sao nếu tách khỏi "cỗ máy chiến tranh" của Mỹ?

CTV

(Dân trí) - Giới chức châu Âu phải chuẩn bị cho kịch bản "tự thân vận động", sau khi ông Trump nhiều lần cảnh báo rút Mỹ khỏi NATO và giảm sự hiện diện quân sự tại châu lục.

Châu Âu sẽ tốn kém ra sao nếu tách khỏi cỗ máy chiến tranh của Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức chính quyền tại lễ công bố xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng trị giá 175 tỷ USD ngày 20/5 (Ảnh: Reuters).

Châu Âu sẽ cần chi 1 nghìn tỷ USD trong vòng 25 năm tới để thay thế các năng lực và trang thiết bị quân sự hiện do Mỹ cung cấp, theo một tổ chức tư vấn an ninh.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Anh ước tính trong một báo cáo rằng, việc thay thế sức mạnh không quân của Mỹ sẽ là khoản tốn kém nhất.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai nói rằng muốn chuyển trọng tâm khỏi sự hỗ trợ quân sự kéo dài hàng thập niên mà Washington đã cung cấp cho "lục địa già".

Theo đó, Mỹ muốn thu hẹp sự hiện diện quân sự của nước này, bao gồm việc từ bỏ vai trò Tư lệnh Tối cao Đồng minh NATO tại châu Âu, còn được gọi là SACEUR.

Báo cáo của IISS nêu bật chi phí cao mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt trong việc lấp đầy khoảng trống an ninh từ việc Mỹ cắt giảm hiện diện quân sự, cũng như các khó khăn về chính sách phát sinh từ sự không chắc chắn về năng lực nào Mỹ có kế hoạch rút khỏi khu vực.

IISS cho biết mục tiêu đánh giá của họ là để chỉ ra các chi phí và nhu cầu công nghiệp quốc phòng đối với NATO - châu Âu trong việc tự bảo vệ trước một mối đe dọa trong tương lai từ Nga nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Đánh giá dựa trên giả định rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc vào giữa năm 2025 với một thỏa thuận ngừng bắn, và chính phủ Mỹ đã ra tín hiệu rằng sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi NATO.

Báo cáo xem xét kịch bản trong đó Mỹ bắt đầu rút nhân sự, thiết bị, kho dự trữ và vật tư khỏi châu Âu để ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Châu Âu sẽ tốn kém ra sao nếu tách khỏi cỗ máy chiến tranh của Mỹ? - 2

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc huấn luyện ở Đức hồi tháng 3 (Ảnh: Getty).

Theo IISS, các thành viên NATO ở châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu Mỹ chấm dứt cam kết quốc phòng với lục địa, đặc biệt là khi Nga có thể tái cấu trúc lực lượng mặt đất vào năm 2027 sau khi đạt được lệnh ngừng bắn tại Ukraine.

IISS nhận thấy, chi phí ước tính để thay thế trang thiết bị và năng lực của Mỹ tại châu Âu trong 25 năm tới sẽ vào khoảng 1 nghìn tỷ USD, khoảng 1% trong số đó sẽ cần được chi cho 400 máy bay bổ sung trên toàn châu Âu. Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi các dây chuyền sản xuất đang bị quá tải.

Việc giải ngân nguồn tài chính trên là khả thi, nhưng sẽ gặp nhiều thách thức đáng kể và đòi hỏi chi tiêu quốc phòng gần với mức của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó 3% GDP sẽ là cần thiết.

Khoảng 15% của con số trên sẽ được sử dụng để thay thế 20 tàu khu trục của Mỹ. Việc thay thế 128.000 binh sĩ Mỹ sẽ tiêu tốn hơn 12 tỷ USD.

Việc tái xây dựng năng lực quốc phòng của châu Âu trong trung hạn là khả thi. Nếu mỗi quốc gia thành viên NATO tại châu Âu chi 2% GDP vào năm 2024 cho quốc phòng, sẽ có thêm 62 tỷ USD được phân bổ cho lực lượng vũ trang của họ.

Chính quyền Trump đã nói rõ rằng Mỹ muốn chuyển hướng khỏi Châu Âu, một lục địa mà Washington hỗ trợ quân sự trong nhiều thập niên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong nhiều năm, Mỹ đã gánh vác các chi phí quân sự tốn kém tại châu Âu, bao gồm cung cấp hậu cần, vận tải chiến lược, thông tin liên lạc, năng lực tình báo và trinh sát, cũng như chiến tranh điện tử trên không và các kho đạn dược.

Tuy nhiên, một quan chức trung ương châu Âu tham gia vào hoạch định quốc phòng trên lục địa cho hay Mỹ vẫn chưa đưa ra lộ trình phác thảo những năng lực nào mà Washington có kế hoạch rút khỏi châu Âu và những gì mà lục địa này sẽ phải khẩn trương thay thế.

Quan chức trên nói thêm, Mỹ đã ra tín hiệu rằng có thể mất tới 2 năm để đánh giá phần nào họ muốn rút khỏi châu Âu.

Giới chức chính trị và quân sự châu Âu nhìn chung thừa nhận sự phụ thuộc lâu dài của lục địa này vào Mỹ, và cam kết tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng thông qua việc gia tăng đầu tư.

Các nguồn tin trong ngành cho biết đã có một số tiến bộ trên khắp châu Âu trong việc đặt hàng thiết bị quân sự, nhưng tốc độ vẫn chậm hơn mong đợi. Sự tập trung hiện thời là bổ sung các kho dự trữ thiết bị đã được cấp cho Ukraine.

Hồi tháng 3, Financial Times đưa tin rằng các cường quốc quân sự lớn nhất châu Âu đang lập kế hoạch tiếp quản phần lớn trách nhiệm bảo vệ lục địa này, bao gồm một đề xuất gửi tới Nhà Trắng để châu Âu tiếp quản vai trò lãnh đạo trong vòng một thập niên tới.

Tuy nhiên, sẽ cần 5-10 năm tăng chi tiêu quốc phòng trước khi châu Âu có thể có được tập hợp năng lực của riêng mình để thay thế những gì hiện do Mỹ cung cấp - ngoại trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ, theo báo trên.

Mới đây, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập quỹ mua sắm quốc phòng trị giá 150 tỷ euro (khoảng 163 tỷ USD) dưới hình thức cho vay. Mục đích của quỹ này là nhằm củng cố năng lực phòng thủ chung của khối nhằm đối phó mối đe dọa từ Nga và khả năng chính quyền ông Trump giảm dần hoặc rút khỏi các cam kết xuyên Đại Tây Dương.

Ninh Trần

Theo Newsweek, Euronews