1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu lộ rõ điểm yếu năng lượng giữa khủng hoảng Biển Đỏ

An Hoàng

(Dân trí) - Khủng hoảng Biển Đỏ gây gián đoạn nguồn cung năng lượng từ châu Á tới các quốc gia châu Âu, khiến giá dầu diesel tăng vọt trong bối cảnh EU khó tìm kiếm nhà cung cấp.

Châu Âu lộ rõ điểm yếu năng lượng giữa khủng hoảng Biển Đỏ - 1

Một tàu dầu bốc cháy trên Vịnh Aden hồi tháng 1 (Ảnh: Bloomberg).

Financial Times ngày 31/1 đưa tin, giá dầu diesel đã tăng vọt với quy mô toàn cầu, lên cao nhất 3 tháng qua. Theo dữ liệu giao dịch được Financial Times công bố, giá dầu diesel kỳ hạn đã tăng 15% chỉ sau hơn một tháng, chạm mốc 845 USD/tấn. Kết quả này phản ánh thực trạng đáng lo ngại đối với tình hình bất ổn ở Biển Đỏ hiện nay.

Châu Âu từ lâu được xem là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn nhất thế giới. Kể từ khi châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên mặt hàng dầu thô cũng như các sản phẩm tinh chế khác của Nga vào năm 2022, các quốc gia khu vực này đã chuyển sang phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu từ châu Á và Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, phần lớn tàu chở dầu đã tránh tuyến đường vận tải qua Biển Đỏ do bất ổn về an ninh, khiến giá thành dầu diesel trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Các nguyên nhân chính có thể tính đến như giá cước vận chuyển, giá bảo hiểm tăng vọt khi các tàu thuyền phải chọn đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở châu Phi.   

Trong một diễn biến khác, các chuyên gia cũng cảnh báo việc Mỹ bảo trì các nhà máy lọc dầu sẽ khiến quốc gia này tiếp tục cắt giảm nguồn cung trên khắp Đại Tây Dương, đồng thời đẩy giá dầu kỳ hạn cũng như giá bán lẻ tăng cao hơn.

Nhà phân tích tại Energy Aspects, công ty chuyên cung cấp dữ liệu toàn cầu cho các thị trường hàng hóa năng lượng, bà Natalia Losada, nhận xét: "Điều này sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ khu vực phía đông Suez. Đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến ảnh hưởng do gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ trở nên nghiêm trọng hơn".

Chuyên gia này dự đoán: "Trong nhiều tháng tới, châu Âu sẽ thắt chặt lượng dầu dự trữ của họ. Điều này chắc chắn sẽ khiến chênh lệch giữa giá dầu kỳ hạn và giá bán lẻ tăng lên".

Tại châu Âu, từ nhu cầu sưởi ấm cơ bản đến ngành vận tải, hàng không,... đều chủ yếu sử dụng động cơ diesel. Đứng trước sức ép giá dầu tăng vọt, nền kinh tế vốn gặp khó khăn của khối này sẽ càng thêm áp lực.

James Noel-Beswick, chuyên gia phân tích tại Sparta Commodities, nền tảng dự báo và thông tin thị trường, cho rằng giá dầu diesel sẽ khó bình ổn lại trong tương lai gần. Ông cho rằng nhân tố này sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức về kinh tế, góp phần làm gia tăng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng lan rộng ở châu Âu.

Trước khi cuộc xung đột Gaza - Israel bùng nổ, Trung Đông chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung dầu diesel của EU. Dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights cho biết con số này hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 30%.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ bùng nổ đúng lúc kho dầu diesel tại khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) sụt giảm mạnh, khiến châu Âu càng có khả năng rơi vào tình trạng bị gián đoạn nguồn cung.

Theo RT