1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Âu đi tìm lời giải cho "câu hỏi xuyên thế kỷ"

Những vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại các quốc gia châu Âu thời gian vừa qua đã làm dấy lên câu hỏi, rằng phải chăng đã đến lúc “lục địa già” cần có một phương thức hợp tác mới, cụ thể là một lực lượng và chính sách an ninh chung nhằm đối phó với những thách thức an ninh hiện nay, trong đó có vấn đề chống khủng bố và di cư.

Khi mà nỗi đau vì vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 11-2015 khiến 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương chưa kịp nguôi ngoai, châu Âu bất ngờ phải trải qua một “ngày đen tối” khác khi thủ đô Brussels của Bỉ hứng chịu 3 vụ nổ bom tấn công liều chết vào ngày 22-3 vừa qua. Nỗi lo một lần nữa lại bao trùm khắp châu Âu, bởi chưa biết sau Pháp và Bỉ, quốc gia nào tại khu vực này sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp của những vụ tấn công tương tự.

Đặc biệt, theo AFP, sau khi thừa nhận tiến hành các vụ tấn công đẫm máu vừa qua tại Brussels, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lớn tiếng đe dọa sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tấn công “tồi tệ và thảm khốc hơn” nhằm vào quốc gia đang tham gia vào liên minh chống nhóm này. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng, các nhóm khủng bố tiếp tục lên kế hoạch tấn công trên khắp châu Âu trong tương lai gần, nhắm đến các sự kiện thể thao, địa điểm du lịch, nhà hàng và hệ thống giao thông vận tải...


Cảnh sát kiểm tra an ninh tại một ga tàu điện ở Brussels sau các vụ tấn công khủng bố ngày 22-3. Ảnh: Globalpost.com

Cảnh sát kiểm tra an ninh tại một ga tàu điện ở Brussels sau các vụ tấn công khủng bố ngày 22-3. Ảnh: Globalpost.com

Thực tế cho thấy, mặc dù luôn đề phòng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt an ninh, song các nước châu Âu vẫn luôn rơi vào thế bị động trước các vụ tấn công khủng bố, và chỉ sau khi những vụ nổ súng, đánh bom liều chết xảy ra, lãnh đạo các nước mới nháo nhào tìm cách khắc phục hậu quả.

Như lời ông Roland Jacquard, Chủ tịch Tổ chức "Đài quan sát quốc tế về chủ nghĩa khủng bố", các vụ tấn công ở Paris và Brussels cho thấy, các lực lượng khủng bố đã “vượt mặt” các nhà nước châu Âu ở nhiều cấp độ. Tờ The Financial Times của Anh mới đây cũng cho rằng, loạt vụ tấn công tại Bỉ đã bộc lộ hiểm họa một thế hệ "thánh chiến" châu Âu mới, đồng thời cho thấy dường như các cơ quan an ninh châu Âu đã thất bại trong việc đối phó với hiểm họa này.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng về việc thiết lập lực lượng và chính sách an ninh chung cho Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó hiệu quả hơn với những thách thức an ninh của cả khu vực lại được đề cập. Thủ tướng Italia Matteo Renzi ngày 22-3 đã cho rằng, EU cần có một lực lượng và chính sách an ninh chung nhằm bảo đảm an ninh cho châu Âu trong tương lai.

Cùng với lời khẳng định, châu Âu nhất định sẽ đánh bại những nhóm khủng bố gây ra các vụ tấn công đẫm máu vừa qua, Thủ tướng Italia nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, EU cần phải thiết lập một lực lượng và chính sách an ninh chung, trong đó lực lượng an ninh các nước cùng nhau phối hợp hoạt động, cùng hợp tác kiên định, kịp thời và liên tục hơn.

“Chúng ta cần một hiệp ước cho cả châu Âu, một hiệp ước vì tự do và an ninh. Chúng ta cần phải đầu tư vào một cấu trúc an ninh và phòng thủ chung”, tờThe Global Post dẫn lời ông Matteo Renzi cho biết. Cũng theo nhà lãnh đạo Italia, đó phải là một cấu trúc an ninh không biên giới và liên tục.

Lời kêu gọi của ông Matteo Renzi chẳng phải mới mẻ, bởi trên thực tế kể từ năm 1954, EU đã tranh cãi về một chính sách an ninh chung và vấn đề này đến nay vẫn chưa ngã ngũ do sự bất đồng về quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, khi mà những thách thức an ninh đối với châu Âu dường như đã lên tới mức đỉnh điểm, nhiều khả năng ý tưởng mà Thủ tướng Italia Matteo Renzi vừa gợi lại sẽ được các nước EU bàn thảo sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Theo Anh Vũ

Quân đội nhân dân