Châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam khai thác tối đa năng lượng tái tạo
(Dân trí) - Cả Đại sứ Đức tại Việt Nam và Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet đều đánh giá cao tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Vào chiều 18/12, Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã tới thăm nhà máy điện gió Phú Lạc tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Phát biểu trong chuyến thăm, các nhà ngoại giao châu Âu đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam về năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, bao gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đó là lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đây, nhà máy điện gió Phú Lạc, để chứng kiến tiềm năng đã được hiện thực hóa này”, Đại sứ Berger cho biết.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger đứng cạnh các tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo ông Berger, “Đức không phải là nước lựa chọn địa điểm cho nhà máy điện gió Phú Lạc nhưng Đức rất vui vì đây là quyết định tập thể của một loạt nhà đầu tư khi các bên hợp tác với nhau để phát triển nhà máy điện gió này”.
“Nhà máy điện gió Phú Lạc đã hoạt động rất thành công. Hiệu suất kỹ thuật đạt 99,8% ngay trong năm đầu tiên và con số này có lẽ không thể thành công hơn được nữa. Sản lượng điện của nhà máy đã vượt ra khỏi kỳ vọng của Đức cũng như các nhà đầu tư và đây là minh chứng cho tiềm năng của dự án”, Đại sứ Berger nhấn mạnh.
Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet cũng khẳng định “Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng điện gió và mặt trời”.
“Sau khi tham quan nhà máy điện gió Phú Lạc, chúng ta có thể thấy tiềm năng rất dồi dào với công suất hoạt động của tua-bin đạt tới 99,8% như hiện nay. Chúng ta có thể cân nhắc để khai thác tối đa tiềm năng này dựa trên những quyết định đúng đắn về mặt chính sách của nhà nước. Đó là những chính sách cụ thể về giá điện, về hạ tầng, về hành lang pháp lý để tất cả tiềm năng này được khai thác toàn bộ”, ông Angelet cho biết.
Phía sau Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet là hai 2 trụ điện gió của nhà máy Phú Lạc.
Nhà ngoại giao EU khẳng định “phía EU luôn hỗ trợ để Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa của mình, làm sao để Việt Nam có được chính sách phù hợp và thu hút nhiều hơn nữa đầu tư không chỉ từ trong nước mà còn trên quốc tế về năng lượng tái tạo”.
Trưởng đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cũng cần quan tâm tới các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Việc các nhà đầu tư tư nhân có quyết định đầu tư hay không thực sự vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề chưa ổn định liên quan tới pháp lý, hợp đồng. Do đó, Việt Nam cần cho các nhà đầu tư tư nhân thấy triển vọng trong tương lai lâu dài để quyết định có đầu tư hay không”, ông Bruno Angelet nói.
Các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trong khuôn viên nhà máy điện gió Phú Lạc.
Được xây dựng trên diện tích 400 ha, dự án nhà máy điện gió Phú Lạc đã hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 9/2016. Nhà máy có công suất 24 MW với tổng mức đầu tư 52,28 triệu USD.
Trong giai đoạn 1, nhà máy lắp đặt 12 tua-bin với 12 trụ điện gió, mỗi trụ cao 95m. Sau hơn một năm thi công, toàn bộ tua-bin đã đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia.
Cận cảnh trụ điện gió cao 95m.
Dự án nhà máy điện gió Phú Lạc do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ 35 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng từ chủ đầu tư. Dự án sử dụng thiết bị của hãng Vestas (Đan Mạch), được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ công ty Fichtner của Đức. Trong khuôn khổ hợp tác tài chính, Đức cũng hỗ trợ nhiều dự án năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam.
Điện gió được đánh giá là năng lượng sạch vì trong quá trình sản xuất không thải ra các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Một số khu vực như Bình Thuận với điều kiện tự nhiên phù hợp, đặc biệt là lượng gió lớn quanh năm, đã đảm bảo sự phát triển của các dự án điện gió.
Thành Đạt