1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Á có còn lắng nghe Obama?

Sau chặng dừng chân ở Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Myanmar và Australia. Chuyến công du này là cơ hội đầu tiên của ông sau khi đảng Dân chủ bị phe Cộng hòa đánh bại ở Thượng viện trong bầu cử giữa kỳ.

... Các cuộc thăm dò được thực hiện bởi Trung tâm Các nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho thấy có một sự ủng hộ mạnh mẽ bên ngoài Trung Quốc cho "trục xoay" mà ông Obama công bố hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo các cuộc khảo sát tương tự, giới chuyên gia trên toàn châu Á đánh giá cao sự phục hồi kinh tế của Mỹ và trông mong cường quốc số 1 thế giới tiếp tục dẫn dắt sự hội nhập và hợp tác châu Á trong tương lai.

 

Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị CEO APEC ở Bắc Kinh ngày 10/11 (ảnh: AP)

Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị CEO APEC ở Bắc Kinh ngày 10/11 (ảnh: AP) 

Tuy nhiên, cũng giống như người Mỹ, nhiều chính phủ ở châu Á nhận thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ yếu kém.

Điều này không phải bởi Mỹ thiếu quan tâm đến khu vực, vì Obama lớn lên ở Indonesia và Hawaii, và rõ ràng chính phủ của ông đã làm công việc tốt hơn so với bất kỳ chính phủ tiền nhiệm nào trong việc đi dự các hội nghị khu vực và tổ chức các cuộc gặp song phương cấp cao. Và chính quyền Obama xứng đáng điểm "A" cho điều này.  

Vấn đề là ở sự tham gia.

Nhưng trong khi Tổng thống Mỹ và nhóm của ông phát đi những tín hiệu trái chiều về sự hiểu biết của họ đối với các động lực sức mạnh ở châu Á, và họ sẵn sàng làm một sự chuyển đổi chính trị cần có ở trong nước để biến "trục xoay" này thành hiện thực, thì có hai điều mà Tổng thống Mỹ có thể làm trong chuyến công du hiện tại.

Trước tiên, ông phải nêu ra một cách rõ ràng và nhất quán điểm mấu chốt của mình. Tuy các quan chức chính quyền quả quyết là họ đã nói đi nói lại nhiều lần, nhưng vấn đề là mỗi bài phát biểu hay một thông báo của chính quyền Obama về châu Á lại khác đi so với trước.

Năm 2009, Tổng thống Mỹ khẳng định tại một hội nghị với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng ông sẽ tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, nhưng sau đó lại loại bỏ điều này sau khi Bắc Kinh diễn giải như vậy là đồng ý với các yêu cầu của Trung Quốc.

Tháng 1/2011, Tổng thống lại đảo ngược tiến trình, khi Nhà Trắng nêu tên Trung Quốc cùng với Iran là mối đe dọa chính trong Hướng dẫn Chiến lược mới của Lầu Năm Góc. Phía Trung Quốc phản ứng bằng cách cáo buộc chính quyền Obama theo đuổi chính sách ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh.

Đến năm 2013, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thông báo Mỹ sẽ "hành động hóa" đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một "Mô hình Các mối quan hệ Cường quốc" giữa Washington và Bắc Kinh, theo đó các đồng minh của Mỹ bị đẩy xuống vị trí hạng 2. Và rồi, chính quyền Obama lại loại bỏ công thức này.

Tổng thống Obama sẽ phát biểu về chiến lược châu Á của Mỹ ở Australia vào cuối chuyến công du lần này. Tuy nhiên, ông sẽ phải giải thích rõ: Mỹ bênh vực các đồng minh của mình. Mỹ sẽ nỗ lực vì một cấu trúc kinh tế xuyên Thái Bình Dương mở, và Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc nhiều nhất có thể nhưng sẽ không thỏa hiệp các giá trị hoặc các cam kết an ninh của mình.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ phải chứng tỏ ông có đủ kỹ năng và cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, và tham gia vào một mô hình hội nhập kinh tế khu vực gắn với những tiêu chuẩn cao về sự cởi mở, trước khi Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để viết lại luật mới.

Các đối tác của Washington ở khu vực biết rằng, Mỹ không thể hoàn tất một thỏa thuận thương mại nếu không được quốc hội nước này phê chuẩn. Do phe Cộng hòa nói chung ủng hộ thương mại nhiều hơn so với các thành viên Dân chủ, nên giờ đây có thể là một thời kỳ cho hợp tác lưỡng đảng ở Mỹ.

Mặc dù còn nhiều câu hỏi ở châu Á về sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ, nhất là sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần trước, dân chúng ở nhiều nơi trong khu vực vẫn yêu mến Obama và muốn ông thành công. Và với một Trung Quốc đang trỗi dậy thì các chính phủ từ ở Canberra cho tới Tokyo đều muốn ông thành công.

Và chuyến công du lần này có thể sẽ là cơ hội tốt nhất của Obama để chứng minh ông có thể làm được điều đó.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet