1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mục tiêu "khó nói" của ông Obama tại Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc gặp song phương hôm 12/11 bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh...

... Nhằm thảo luận về các vấn đề “nóng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên sự kiện này cũng bao hàm cả mục tiêu được cho là "khó nói" của ông Obama.
 
Tổng thống Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trao đổi
Tổng thống Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trao đổi 

Theo đó, sau khi đảng Dân Chủ của ông Obama thất thế trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, chuyến thăm tới 3 nước châu Á là Trung Quốc, Myanmar và Australia để tham dự APEC và hội nghị thượng đỉnh G20 đồng thời cũng là "liều thuốc thử" cho vai trò của ông Obama trên trường quốc tế trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của vị tổng thống 53 tuổi.

Ernest Bower, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington thẳng thắn nói: "Đây sẽ là một chuyến đi khó khăn của ngài Tổng thống". Ông Bower cho biết các nhà lãnh đạo châu Á có thể nhìn nhận chuyến đi của ông Obama với câu hỏi: "Ông Obama sẽ là ai sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ?".

James Goldgeier, hiệu trưởng trường Dịch vụ quốc tế thuộc Đại học Hoa Kỳ nhận định: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong chuyến thăm 3 nước châu Á với chặng dừng chân đầu tiên là Bắc Kinh của ông Obama cũng nhằm thể hiện với mọi người rằng ông ấy vẫn là Tổng thống Mỹ. Ông ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cường quốc số một thế giới và muốn có cơ hội để nhắc nhở tất cả mọi người về điều này”.

Chuyến công du châu Á của ông Obama được công bố rõ ràng mục đích là nhằm đạt được thỏa thuận tự do thương mại. Tuy nhiên nhiều người nhìn nhận mục đích của chuyến thăm là nhằm cho thấy chiến lược "xoay trục sang châu Á” của Mỹ được công bố năm 2012 không hề bị bỏ ra bên lề bởi tình hình chiến sự ở Ukraine, cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng hay đại dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi.

Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice từng phân tích: "Ngài Tổng thống vẫn duy trì cam kết với chiến lược tái cân bằng với châu Á và điều đó vẫn là trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của ông".

Hôm 11/11, trong bữa tối riêng kéo dài 5 tiếng (vượt 2 giờ so với dự định ban đầu) với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Obama đã bày tỏ rằng ông muốn nâng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ “lên một tầm cao mới”. Ông Obama nêu rõ: “Khi Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác hiệu quả cùng nhau thì cả thế giới sẽ được hưởng lợi”.

Nhưng Bắc Kinh vẫn luôn hoài nghi về ý định của ông Obama tại châu Á, khi chứng kiến việc ông dành nhiều nỗ lực để tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á như một cách để đối trọng với sự tăng trưởng không ngừng của kinh tế Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Michael Green, nhà phân tích châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến thuật và quốc tế nhìn nhận: “Tôi cho rằng sẽ có thêm căng thẳng với Trung Quốc trong những năm tới". Ông Green cũng bổ sung rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể “cứng rắn hơn dự đoán" đối với Mỹ.

Theo Hà Linh (Theo AP, NBC)