1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á âm ỉ "sóng ngầm" chạy đua vũ trang

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, châu Á có thể sẽ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang khi các quốc gia và vùng lãnh thổ liên tục mua sắm và chế tạo khí tài mới nhằm đối phó với căng thẳng leo thang.

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 1

Australia sẽ chế tạo 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân, hứa hẹn có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á (Ảnh minh họa: Wikimedia).

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết, châu Á có nguy cơ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang khi các quốc gia và vùng lãnh thổ gia tăng đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang xoay quanh chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, trước khi thập niên này kết thúc, châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ có thêm các tên lửa thế hệ kế tiếp bay nhanh và xa hơn, tấn công mạnh mẽ hơn và có công nghệ ngày càng phức tạp hơn. Điều này được cho có thể làm căng thẳng ở châu Á thêm gia tăng.

Một trong động thái gây "tốn giấy mực" nhất của truyền thông trong thời gian qua là việc Australia ngày 16/9 tuyên bố sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh đa phương với Mỹ và Anh.

Australia cũng tuyên bố sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa với tên lửa hành trình Tomahawk triển khai trên các tàu khu trục, cũng như tên lửa không đối đất cho các tiêm kích F/A-18 Hornet và F-35A Lightning II. Ngoài ra, Australia cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa siêu vượt âm. Hồi tháng 6, Washington cũng đã thông qua thương vụ bán 29 trực thăng tấn công AH-64E Apache cho Canberra trị giá 3,5 tỷ USD.

Thỏa thuận AUKUS dù không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc nhưng giới chuyên gia cho rằng nó nhằm đối phó với việc Bắc Kinh mở rộng năng lực quân sự và gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực. AUKUS cũng được cho sẽ làm cán cân quân sự khu vực dịch chuyển.

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 2

Quân nhân Đài Loan khai hỏa các tổ hợp pháo tự hành trong một cuộc diễn tập hồi tháng 9/2015 (Ảnh: AP).

Tại châu Á, một điểm nóng đang được quan tâm khác là vấn đề eo biển Đài Loan khi căng thẳng tại đây liên tục leo thang. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ cần được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực. Bắc Kinh thời gian qua đã tăng cường điều động khí tài tới sát hòn đảo.

Đài Loan hồi đầu tháng đã công bố kế hoạch chi thêm 8,7 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp năng lực vũ khí - dường như nhằm vào tên lửa tầm xa và các tên lửa hành trình hiện đang có trong kho vũ khí của hòn đảo.

Năm 2020, Mỹ thông qua thương vụ bán Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon, 3 hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa, cảm biến và pháo, cùng 4 máy bay không người lái hiện đại cho Đài Loan. Tổng giá trị của thương vụ là 5 tỷ USD. Tháng trước, Mỹ thông qua thương vụ bán 40 hệ thống lựu pháo cho Đài Loan trong một thỏa thuận lên tới 750 triệu USD.

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 3

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: National Interest).

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chương trình vũ khí của nước này với việc sản xuất hàng loạt tên lửa đa chức năng DF-26, có tầm tấn công 4.000 km. Trung Quốc cũng đã hé lộ các máy bay không người lái mới, cùng các tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo liên lục địa mà giới quan sát cho rằng có thể thách thức tới hệ thống vũ khí của Mỹ ở khu vực.

Hồi đầu năm, Trung Quốc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng thêm gần 7% trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, Ấn Độ và tình hình ở Biển Đông leo thang. Những năm gần đây, Trung Quốc đã chi hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ để hiện đại hóa quân đội nhằm cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây khác, trong đó có việc đóng thêm tàu sân bay, tăng cường các hệ thống vũ khí siêu vượt âm, máy bay chiến đấu tàng hình.

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 4

Máy bay chiến đấu F-35 được lắp ráp ở Nhật Bản (Ảnh: Kyodo).

Vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng nóng lên trong thời gian qua. Để đối phó với các động thái ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực, Nhật Bản cũng chi hàng triệu USD cho các hệ thống vũ khí phóng từ trên không tầm xa và đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống hạm gắn trên xe tải, Type 12, với tầm bắn dự kiến 1.000 km.

Vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận để Nhật Bản có thể mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed với chi phí ước tính là 23 tỷ USD.

Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt

Một trong những điểm nóng ở châu Á hiện tại là khu vực bán đảo Triều Tiên, khi Hàn Quốc và Triều Tiên tăng tốc phát triển hệ thống vũ khí trong thời gian qua.

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 5

Hình ảnh cắt từ video do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố ngày 15/9 cho thấy nước này phóng thử tên lửa từ tàu ngầm (Ảnh: CBS).

Hàn Quốc gần đây đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) hôm 15/9, trở thành quốc gia không có vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới phát triển được loại khí tài này. Tên lửa mới của Hàn Quốc được xem là biến thể của tên lửa Hyunmoo-2B với tầm tấn công 500 km. Năm ngoái, Hàn Quốc phát triển tên lửa Hyunmoo-4 có tầm tấn công 800 km và có thể mang 2 tấn vũ khí. Hàn Quốc cũng đang đẩy nhanh việc đóng mới khoảng 3 tàu ngầm. 

Châu Á âm ỉ sóng ngầm chạy đua vũ trang - 6

Tên lửa được phóng từ tàu hỏa ở Triều Tiên hôm 15/9 (Ảnh: KCNA).

Cuối năm 2019, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công SLBM và trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi đầu năm, họ đã diễu hành tên lửa này.

Trong tháng 9, Triều Tiên liên tục thực hiện các bài thử nghiệm tên lửa, trong đó, ngày 29/9, họ thông báo đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm vào hôm qua. Như vậy, Triều Tiên đã chính thức bước chân vào cuộc đua chế tạo vũ khí siêu vượt âm với các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc.  

Tên lửa siêu vượt âm được xem là vũ khí thế hệ kế tiếp và có thể trở thành "khí tài thay đổi cuộc chơi" khi có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của đối thủ và tốc độ nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh sẽ khiến đối phương không có đủ thời gian để phản ứng.