1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Chất xúc tác” Trung Quốc trong mối quan hệ Nhật - Ấn

(Dân trí) - Gần đây mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã trở nên tốt đẹp hơn, nhất là sau chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Ấn Độ, giúp mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Điều này có được một phần nhờ vào “chất xúc tác” mang tên Trung Quốc.


Cái ôm thân thiết của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Gujarat, Ấn Độ ngày 13/9 (Ảnh: EPA)

Cái ôm thân thiết của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Gujarat, Ấn Độ ngày 13/9 (Ảnh: EPA)

Biểu trưng cho mối quan hệ song phương tốt đẹp Nhật Bản - Ấn Độ gần đây chính là cái ôm “nồng nhiệt” giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Shinzo Abe tại đường băng khi ông Abe kết thúc chuyến thăm chính thức Ấn Độ ngày 14/9.

Ông Abe gọi đó là ngày lịch sử, ngày đánh dấu một chương mới trong quan hệ 2 nước, khởi đầu là việc Nhật Bản bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên cho Ấn Độ. Dự án tàu Shinkansen trị giá 16 tỷ USD, một biểu tượng của Nhật Bản, sẽ chính thức xuất hiện tại Ấn Độ. Ngoài ra, ông Abe còn cam kết ủng hộ chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông Modi nhằm lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để biến Ấn Độ thành “công xưởng thế giới”.

Hai nhà lãnh đạo còn cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua công nghệ trinh thám và không người lái cũng như tổ chức các cuộc tập trận chung vào năm tới. Một minh chứng cụ thể nhất là năm nay Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng tham gia cuộc tập trận chung Malabar hàng năm cùng với Mỹ.

Hiện tại, Nhật Bản và Ấn Độ đã thiết lập “mối quan hệ chiến lược và toàn cầu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, được cho là nhằm cùng đối mặt và làm giảm thiểu ảnh hưởng của một đối thủ chung tại khu vực: Trung Quốc.

Mới tháng trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã kết thúc cuộc xung đột kéo dài 2 tháng ở biên giới 2 nước với Bhutan liên quan tới việc Trung Quốc xây dựng 1 con đường trên phần biên giới tranh chấp, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc có chung một phần đường biên giới trên biển.

Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển kế hoạch “Vành đai và con đường” nhằm xây dựng một con đường kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi trên biển và trên đất liền. Trong thông báo chung, 2 nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “sử dụng cơ sở hạ tầng một cách công khai, minh bạch và chống độc quyền dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, pháp quyền và môi trường”.

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ cũng đồng thời cam kết "giải quyết vấn đề dư thừa thép", kêu gọi "xoá bỏ trợ cấp bóp méo thị trường", một ám chỉ tới Trung Quốc. Thêm vào đó, theo một nghiên cứu, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cho các dự án cơ sở hạ tầng cho Ấn Độ và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Có rất nhiều tiềm năng để Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác trong các dự án xây dựng gần biên giới Nepal và Bangladesh nhằm cân bằng lượng vốn đầu tư và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Đức Hoàng

Theo Straits Times