1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Chảo lửa" Trung Đông tăng nhiệt, Iran dọa phong tỏa Địa Trung Hải

Thành Đạt

(Dân trí) - Một chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố Địa Trung Hải có thể bị phong tỏa nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục thực hiện các hành động ở Gaza.

Chảo lửa Trung Đông tăng nhiệt, Iran dọa phong tỏa Địa Trung Hải - 1

Các thành viên của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tham dự cuộc tập trận quân sự ở khu vực Aras, tỉnh Đông Azerbaijan, Iran năm 2022 (Ảnh: Reuters).

"Họ sẽ sớm chứng kiến Địa Trung Hải, (eo biển) Gibraltar và các tuyến đường biển khác bị đóng cửa", Tasnim dẫn lời Chuẩn tướng Mohammad Reza Naqdi, chỉ huy điều phối Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tuyên bố hôm 23/12.

Tướng Iran cho biết kịch bản này có thể xảy ra nếu Mỹ cùng đồng minh tiếp tục "gây tội ác" tại Dải Gaza.

Iran không giáp Địa Trung Hải và không rõ bằng cách nào Vệ binh Cách mạng Iran có thể đóng cửa vùng biển này. Mặc dù vậy, tướng Naqdi đã nói về "sự ra đời của các lực lượng kháng chiến mới và việc đóng cửa các tuyến đường biển khác".

"Trước đây, Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz đã trở thành cơn ác mộng đối với họ (Mỹ). Giờ đây, họ bị mắc kẹt ở Biển Đỏ", tướng Naqdi nói thêm.

Trước đó, Nhà Trắng cáo buộc Iran "tham gia sâu" vào việc lên kế hoạch cho các hoạt động tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ và hỗ trợ phong trào Houthi ở Yemen.

Sau khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza, Mỹ đã đưa các nhóm tác chiến tàu sân bay và khí tài tới Địa Trung Hải, trong một động thái nhằm răn đe Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn trong khu vực, bao gồm gồm lực lượng Hezbollah ở Li Băng.

Theo người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson, Mỹ đã công bố thông tin tình báo mới được giải mật cho thấy, "sự hỗ trợ của Iran trong suốt cuộc khủng hoảng Gaza đã cho phép Houthi tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel và các mục tiêu trên biển".

Quan chức Nhà Trắng tuyên bố, máy bay không người lái và tên lửa mà Houthi sử dụng cho các cuộc tấn công cũng được Iran cung cấp như một phần trong chương trình vũ trang của Iran cho lực lượng này kể từ năm 2015.

Tuần này, Mỹ đã triển khai Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng, một liên minh hàng hải nhằm tăng cường an ninh ở phía nam Biển Đỏ. Lầu Năm Góc cho biết tính đến nay đã có hơn 20 quốc gia ký kết tham gia sáng kiến này.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói rằng "các cuộc tấn công trên quy mô rất lớn" nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã leo thang đến mức chưa từng thấy trong ít nhất "hai thế hệ".

Biển Đỏ là khu vực có một trong những tuyến thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới và các cuộc tấn công đã gây ra tác động sâu rộng, với ít nhất 44 quốc gia có mối liên hệ với các tàu bị Houthi tấn công, đồng thời thương mại quốc tế nói chung bị gián đoạn.

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ đã leo thang kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas vào đầu tháng 10. Khi Israel tăng cường trả đũa cuộc tấn công, Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu mà họ cáo buộc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Israel, mặc dù nhiều công ty bị nhắm mục tiêu cho biết họ không có mối liên hệ nào với Israel hoặc cuộc xung đột Israel - Hamas.

Theo Reuters