1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chân dung tân Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua

Thanh Thành

(Dân trí) - Chưa đầy 2 tháng sau khi trở thành "bại tướng" của bà Liz Truss, cựu Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak có cuộc "soán ngôi" ngoạn mục khi trở thành tân Thủ tướng Anh.

Chân dung tân Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua - 1

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak mừng chiến thắng tại trụ sở đảng Bảo thủ (Ảnh: Guardian).

BBC đưa tin, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, 42 tuổi, hôm nay đã được Vua Charles III đã bổ nhiệm làm Thủ tướng nước này, sau cuộc yết kiến tại Cung điện Buckingham. 

Trước đó, ngày 24/10, ông Sunak đã có đủ điều kiện cần thiết để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, tức là đương nhiên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Người đứng đầu Ủy ban 1922, cơ quan giám sát bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh tuyên bố: ông Sunak giành chiến thắng sau khi đối thủ là Chủ tịch Hạ viện Anh Penny Mordaunt rút khỏi cuộc đua.

Ông Sunak kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 7 tuần và là thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của nước Anh. Ông cũng trở thành người da màu đầu tiên lãnh đạo nước Anh và là thủ tướng trẻ nhất trong hơn 200 năm qua. 

Ông Sunak lần đầu tiên được cả nước chú ý khi trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson khi chỉ 39 tuổi, ngay khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Anh.

Trong suốt đại dịch, cái tên Sunak được nhiều người dân biết đến khi ông đã phát triển một kế hoạch mạnh mẽ để hỗ trợ hàng triệu người qua nhiều lần đất nước bị phong tỏa.

Tuy nhiên, khi đó, nước Anh tiếp tục phải đối mặt với những biến động kinh tế và chính bản thân ông Sunak cũng phải đối mặt với hậu quả của việc bị cảnh sát phạt vì vi phạm các quy định phong tỏa ở phố Downing vào tháng 6/2020 trong vụ bê bối mang tên "Partygate".

Sau khi Thủ tướng Johnson từ chức, ông Sunak nổi lên như một ứng viên thay thế tiềm năng nhất. Tuy nhiên, chặng đường đi đến chiếc ghế quyền lực của ông Sunak cũng không hề dễ dàng.

Trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi tháng 7, dù rất được kỳ vọng và xem là ứng viên sáng giá nhất, ông Sunak đã thất bại trước bà Truss.

Và lần trở lại sau khi bà Truss tuyên bố từ chức hôm 20/10, ông Sunak tiếp tục được đánh giá ứng viên sáng giá khi trong quá trình chạy đua, ông nhiều lần chỉ trích các kế hoạch kinh tế của bà Truss.

Ông Sunak cũng cảnh báo, nền tài chính công Anh đang lâm nguy và lạm phát tăng cao. Thực tế, chính việc đảo ngược cam kết khi tranh cử đã khiến bà Truss vấp phải nhiều chỉ trích và buộc phải từ chức thủ tướng Anh.

Mặc dù vậy, trước khi cựu Thủ tướng Johnson tuyên bố rút lui trong cuộc đua lãnh đạo lần này, nhiều ý kiến cho rằng, ông Sunak không thể vượt qua được đối thủ nặng ký. Trước đó, dù những cảnh báo của cựu Bộ trưởng Tài chính Sunak đã đúng nhưng ông không được lòng đông đảo thành viên đảng Bảo thủ. Họ từng chỉ trích ông đã phản bội Thủ tướng Johnson khi từ chức bộ trưởng tài chính vào đầu tháng 7, khiến nội các Anh rối loạn và ông Johnson phải ra đi. 

Nhưng cuối cùng, ông Sunak đã có cú "soán ngôi" thành công.

Thủ tướng giàu có nhất nước Anh

Ông Sunak sinh ra tại Southampton, Anh vào năm 1980 trong một gia đình có cha là ông Yashvir và mẹ là bà Usha. Cha mẹ ông là người gốc Ấn Độ di cư từ Đông Phi sang. Trong đó, ông Yashvir sinh ra và lớn lên ở Kenya, làm bác sĩ đa khoa. Còn bà Usha sinh ra ở Tanzania, vừa làm dược sĩ vừa điều hành một hiệu bán thuốc ở địa phương. 

Chân dung tân Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua - 2

Một bất động sản của tân Thủ tướng Anh (Ảnh: Reuters).

Gia đình ông di cư đến Anh vào những năm 1960, thời kỳ mà nhiều người từ các thuộc địa cũ của Anh đến để giúp tái thiết đất nước sau Thế Chiến II.

Ông Sunak theo học tại trường tư thục Winchester, sau đó đến Đại học Oxford để học triết học, kinh tế và chính trị.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông học thạc sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) và gặp vợ Akshata Murthy - con gái của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy, người sáng lập công ty gia công phần mềm khổng lồ Infosys Ltd.

Năm 2009, ông kết hôn với bà Akshata, người sở hữu một nhãn hiệu thời trang riêng "Akshata Designs", đồng thời là giám đốc của công ty đầu tư do cha bà thành lập. Cặp đôi có 2 người con gái là Krishna và Anoushka.

Sau khi tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ, ông làm việc tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs rồi chuyển sang lĩnh vực quản lý quỹ và trở thành đối tác của Công ty quản lý quỹ The Children's Investment Fund Management (trụ sở tại Anh).

Ông Sunak được bầu làm nghị sĩ Quốc hội Anh kể từ năm 2015 và từng đảm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Tài chính khi ông Johnson còn là thủ tướng. 

Ông Sunak được cho là một trong những nghị sĩ giàu nhất nước Anh, thậm chí còn được cho là giàu hơn cả Vua Anh Charles III. Theo Guardian, với việc ông Sunak trở thành thủ tướng, lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh người đứng đầu Nhà số 10 Phố Downing có thể giàu hơn cả Quốc vương ở Điện Buckingham.

Giữa lúc hàng triệu người dân đang vật lộn với khủng hoảng chi phí sinh hoạt, ông Sunak không bình luận công khai về việc có bao nhiêu tài sản. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết sự giàu có của ông Sunak phần lớn nhờ vợ ông. Theo Sunday Times, hồi đầu năm nay, ông Sunak trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên từng lọt vào danh sách "những người giàu nhất nước Anh".

Chân dung tân Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua - 3

Vợ chồng ông Sunak và 2 con gái (Ảnh: The Sun).

Báo trên cũng cho biết, ông Sunak và vợ sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá khoảng 730 triệu bảng Anh, gần gấp đôi khối tài sản của Vua Charles và Vương hậu Camila (ước tính 300 triệu-350 triệu bảng).

Ông Sunak cũng gần sánh ngang Quốc vương Anh về số bất động sản sở hữu, với danh mục đầu tư gồm 4 bất động sản trải rộng trên thế giới và trị giá hơn 15 triệu bảng.

Ông cùng vợ và hai con gái, Krishna và Anoushka, sống tại ngôi nhà 5 phòng ngủ ở Kensington, phía tây London, trị giá hơn 7 triệu bảng Anh. Vào cuối tuần, gia đình ông thường lui tới trang viên Georgia trong ngôi làng Kirby Sigston. Ngôi nhà được ông Sunak và vợ mua với giá 1,5 triệu bảng Anh trước khi ông được bầu làm nghị sĩ vào năm 2015 và hiện có giá hơn 2 triệu bảng Anh.

Ngoài biệt thự Yorkshire và trang viên ở Kensington, gia đình Sunak còn sở hữu một căn hộ trên đường Old Brompton ở phía tây London và một căn hộ áp mái trên bãi biển Santa Monica.

Sự giàu có của ông Sunak đã trở thành tiêu điểm tranh cãi khắp nước Anh. Người dẫn chương trình Sky News Kay Burley từng hỏi ông Sunak về việc ông quá giàu để trở thành Thủ tướng.

Nhiều thách thức trước mắt

Chân dung tân Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hơn 200 năm qua - 4

Thủ tướng Sunak dự kiến đối mặt nhiều thách thức khi nhậm chức (Ảnh: Getty).

Thủ tướng Sunak lên nắm quyền trong bối cảnh đất nước đang đối mặt quá nhiều thách thức về kinh tế và cả khủng hoảng chính trị kéo dài.

Hầu hết nghị sĩ đảng Bảo thủ xem chính trị gia 42 tuổi này là "vị cứu tinh" của họ cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại Anh, sau nhiều tháng đất nước liên tục đối mặt với những hỗn loạn.

Vì vậy, bài toán đầu tiên của tân Thủ tướng là ổn định nền kinh tế đang chao đảo của Anh.

Có nhiều kỳ vọng dành cho tân Thủ tướng Sunak bởi ông là một nhà lãnh đạo vững vàng và có kinh nghiệm trong việc điều hành nền kinh tế. Thực tế chứng minh ông đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng thị trường do các chính sách của bà Truss gây ra khi bà cắt giảm thuế và khiến đồng bảng Anh lao dốc.

Ông gọi những cải cách kinh tế do bà Truss đề xuất là "câu chuyện cổ tích" về kinh tế học trước khi bà nhậm chức. Theo ông, việc đầu tiên cần làm là kiểm soát lạm phát đang tăng nhanh.

Các chuyên gia dự đoán, việc đầu tiên sau khi ông Sunak đến Số 10 phố Downing sẽ là thực hiện cắt giảm mạnh chi tiêu công bất kể việc nước Anh rơi vào suy thoái kinh tế. Động thái này sẽ kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh.

Và nhiệm vụ cấp thiết thứ hai dành cho ông Sunak là hàn gắn nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Mặc dù ông Sunak nhận được sự ủng hộ từ nhiều phe phái trong đảng Bảo thủ, các nhà phân tích và kinh tế học cho biết họ vẫn nghi ngờ liệu ông có đủ khả năng gắn kết các thành viên trong đảng hay không.

Bản thân cựu Thủ tướng Boris Johnson cũng rất đau đầu với nhiệm vụ này và đây cũng chính là lý do ông rút lui khỏi cuộc đua lần này, dù ban đầu được cho là ứng viên sáng giá nhất. Cựu Thủ tướng Johnson cho biết, bản thân không đủ khả năng để hàn gắn những bất đồng đang làm chia rẽ đảng Bảo thủ,

Và nhiệm vụ lớn hơn, dài hơi hơn nữa là giúp đảng Bảo thủ lấy lại vị thế và hình ảnh để không bị Công đảng vượt mặt trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024.

Theo Guardian, AP