1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung người chấm dứt 37 năm cầm quyền của Tổng thống Zimbabwe

(Dân trí) - Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đang từng bước lật đổ Tổng thống Robert Mugabe bằng chính những điều mà ông học được từ vị tổng thống cầm quyền suốt 37 năm này.


 Ông Emmerson Mnangagwa (Ảnh: CPC)

Ông Emmerson Mnangagwa (Ảnh: CPC)

Người có khả năng thao túng quyền lực

Đảng cầm quyền Zimbabwe ngày 19/11 quyết định bãi nhiệm Tổng thống Mugabe với tư cách lãnh đạo của đảng này. Người lên kế nhiệm ông là Emmerson Mnangagwa, cựu Thủ tướng bị chính ông Mugabe sa thải hồi đầu tháng này.

Cuộc chiến quyền lực không dừng lại ở đó khi ông Mnangagwa được dự đoán sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Zimbabwe, chấm dứt 37 năm cầm quyền của ông Mugabe.

Trước khi xảy ra chính biến, ông Mnangagwa, 75 tuổi, được coi là “cánh tay phải” của Tổng thống Mugabe. Ông nổi tiếng bởi những thủ đoạn thao túng quyền lực ở mọi cấp. Người dân Zimbabwe sợ ông Mnangagwa hơn là khâm phục. Tuy vậy, ông này vẫn có khả năng tạo ra được một nền tảng ủng hộ vững chắc trong lực lượng an ninh và quân đội.

Luôn sát cánh bên Tổng thống Mugabe kể từ những năm 1980, Mnangagwa có một sự nghiệp chính trị khá lừng lẫy. Ông từng là bộ trưởng Bộ tư pháp, Bộ quốc phòng, Bộ nội vụ và Bộ tài chính, cũng như Chủ tịch hạ viện. Đến năm 2014, ông Mnangagwa được bổ nhiệm chức Phó Tổng thống và được biết đến rộng rãi với biệt danh “Cá sấu”.

Trước khi bước vào con đường chính trị, ông còn được biết đến là một cựu điệp viên bậc thầy và có bằng chuyên ngành luật. Ông được mô tả là người ít nói nhưng hành động dứt khoát.

Sự trở lại của Mnangagwa


Ông Mnangagwa và vợ (Ảnh: AFP)

Ông Mnangagwa và vợ (Ảnh: AFP)

Chính biến ở Zimbabwe có căn nguyên từ việc Tổng thống Mugabe hồi đầu tháng bất ngờ cách chức cấp phó Mnangagwa khi ông này bị coi là “chướng ngại vật” với kế hoạch kế nhiệm chồng của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe.

Ông Mnangagwa khi đó đã tạm lánh ra nước ngoài để tránh bị bắt giữ, song mặt khác vẫn tuyên bố sẽ trở lại để lãnh đạo Zimbabwe. Trong tuyên bố phát đi ngày 8/11, một ngày sau khi bị cách chức, ông Mnangagwa nói: “Hãy để chúng tôi chôn vùi những khác biệt và tái thiết một Zimbabwe mới mẻ, thịnh vượng, một đất nước rộng mở với nhiều quan điểm, một đất nước tôn trọng ý kiến của người khác, một đất nước không tự cô lập mình với thế giới bởi một cá nhân bướng bỉnh tin rằng ông ta có quyền thống trị đất nước này đến khi chết”.

Kể từ sau tuyên bố đó, ông Mnangagwa không xuất hiện trước công chúng nhưng nguồn tin truyền thông tuần trước nói rằng ông chắc chắn đã trở về nước. Các nguồn tin tình báo nói rằng, ông Mnangagwa là nhân vật chính đứng đằng sau kế hoạch chính biến ở Zimbabwe và nhiều khả năng sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này.

Piers Pigou, một chuyên gia về châu Phi, nhận định: “Ông Mnangagwa là người thông minh, có năng lực, nhưng liệu ông ấy có phải liều thuốc chữa bách bệnh cho các vấn đề của Zimbabwe hay không? Liệu ông ấy có thực sự điều hành kinh tế và chính quyền tốt hay không? Chúng ta còn phải chờ xem”.

Quân đội Zimbabwe được cho là dưới sự chi phối của cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đêm 14/11, rạng sáng 15/11 giành kiểm soát thủ đô Harare và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe.

Cùng với quân đội, đảng cầm quyền hối thúc ông Mugabe phải từ chức ngay trong ngày hôm nay 20/11 hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết, sau khi phớt lờ, không đả động đến ý định từ chức trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng trên truyền hình trực tiếp, ông Mugabe đã đồng ý với các điều khoản từ bỏ quyền lực, chấm dứt 37 năm cầm quyền.

Minh Phương

Theo ABC News, Guardian