1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Cha đẻ" TikTok thoái vốn để tránh bị "cấm cửa" tại Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Công ty ByteDance của Trung Quốc đã chấp nhận thoái vốn khỏi chi nhánh TikTok ở Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo cấm ứng dụng này tại Mỹ.

Cha đẻ TikTok thoái vốn để tránh bị cấm cửa tại Mỹ - 1
ByteDance chấp nhận thoái vốn khỏi chi nhánh TikTok ở Mỹ. (Ảnh minh họa: TechScience)

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời giới chức giấu tên của Mỹ ngày 1/8 cho biết, theo đề xuất thoái vốn của ByteDance, tập đoàn Microsoft sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ toàn bộ dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ. Ngoài ra, theo kế hoạch này, một công ty khác, không phải Microsoft, sẽ tiếp quản TikTok ở Mỹ.

Nhà Trắng từ chối bình luận liệu Tổng thống Trump có chấp nhận kế hoạch nhượng bộ nêu trên của ByteDance hay không. Microsoft hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/7 cảnh báo sẽ dùng sắc lệnh hành pháp để cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc trong vòng 24 giờ.

“Vì TikTok đáng quan ngại, nên chúng tôi sẽ cấm ứng dụng này khỏi Mỹ. Tôi sẽ ký sắc lệnh vào ngày mai”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một ngày 31/7.

Giới chức Mỹ cáo buộc TikTok gây ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia khi tiếp cận một lượng lớn dữ liệu cá nhân của người dùng. Ứng dụng này hiện có tới khoảng 80 triệu người dùng hàng ngày tại Mỹ.

Nhà Trắng từ chối bình luận liệu Tổng thống Trump có chấp nhận kế hoạch nhượng bộ nêu trên của ByteDance hay không.

ByteDance được cho là đang cân nhắc một loạt phương án cho TikTok sau khi chịu sức ép từ Mỹ buộc phải giảm quyền kiểm soát đối với ứng dụng này.

ByteDance trước đó đã nhận được đề nghị từ một số nhà đầu tư, trong đó có Sequoia và General Atlantic bán lại cổ phần ở TikTok. Theo các đề xuất này, TikTok được định giá khoảng 50 tỷ USD, nhưng một số lãnh đạo ByteDance tin rằng ứng dụng này giá trị nhiều hơn thế.

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Ứng dụng này được sử dụng để ghi lại các video hài, nhảy, hát nhép… Năm ngoái, khoảng 60% trong số 26,5 triệu người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ trong độ tuổi từ 16-24.

Sự phổ biến của TikTok trong giới trẻ Mỹ khiến các nhà lập pháp và các nhà chức trách đặt nghi vấn, vì lo ngại rằng giới chức Bắc Kinh có thể tiếp cận thông tin cá nhân của người Mỹ thông qua ứng dụng này. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cấm các nhân viên liên bang tải ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.