1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cây Bạch dương bên Tượng đài Bác ở Moskva

Một sáng tháng Năm, theo chân Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, tôi đến đặt hoa bên Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva.

Cây bạch dương bên Tượng đài Bác
Cây bạch dương bên Tượng đài Bác

Nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố Provsouznaia, Quảng trường Hồ Chí Minh sáng bừng trong nắng, khi mùa Xuân Nga đang thời điểm rực rỡ nhất.

Tình cờ đứng dưới bóng cây bạch dương nhỏ, chuyện trò với ông Trương Quang Giáo, Chủ tịch Hội người Việt định cư tại Nga, tôi được biết câu chuyện về cây, và càng hiểu thêm tình người dành cho Bác - vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc ta.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Moskva đã khánh thành bức tượng của Người bằng đồng đặt tại công viên Akademicheskaya (Công viên Viện Hàn lâm). 25 năm đã trôi qua, phía sau khu công viên rộng hơn 1 ha này, những rặng tử đinh hương và cây lipa mọc lên xanh tốt. Còn chếch phía trước quần thể tượng đài Bác, là ba cây bạch dương đêm ngày rì rầm trong gió. Hai cây cao chừng 9, 10 mét đứng sát bên nhau. Cách xa một quãng là cây bạch dương nhỏ hơn, với thân cây chỉ to bằng phân nửa hai cây bên cạnh.

Cây bạch dương non này là câu chuyện nhỏ của một tình cảm lớn đối với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Ông Trương Quang Giáo kể rằng hồi đầu năm 2004, một trong 3 cây bạch dương trong quần thể tượng đài Bác vì không chịu nổi khí hậu khắc nghiệt của mùa đông nước Nga nên đã chết khô, buộc chính quyền sở tại phải thay thế bằng một cây khác. Tuy nhiên, cây mới trồng cũng không thể bén rễ và héo dần chỉ trong thời gian ngắn. Là người dân nước Việt, cũng như bao kiều bào khác sống xa quê hương, định cư nơi đất bạn, ông Trương Quang Giáo không thể đành lòng nhìn cái hố trơ trọi bên Tượng đài Bác. Ông bàn với vợ là bà Xveta, nhất quyết phải mang một cây bạch dương ngoài đacha (nhà nghỉ ở ngoại ô) về trồng. Bạch dương thì đã có, nhưng đưa được cây về trung tâm Moskva là cả một "công trình". Đacha của gia đình ông Giáo nằm cách Moskva gần trăm cây số, không có ô tô, sau khi đào cây, bó gốc, bịt cành, ông bà phải thay nhau "bế cây" đi bộ, chuyển đổi tới ba bốn loại phương tiện công cộng để đưa cây về Quảng trường Hồ Chí Minh. Ông Giáo kể, mệt vì cây nặng đã đành, nhưng sợ nhất là bị công an môi trường phát hiện, lập biên bản, tìm nguồn gốc, lý do về việc mang cây đi chỉ lo khi giải thích được cho bạn hiểu mất nhiều thời gian, cây sẽ không sống được.

Lại nói về chuyện mang cây về, ông Giáo cho biết: Đi tàu Electrika (tàu hỏa liên tỉnh) đã khổ, chuyển sang metro còn khổ bội phần, vì dù nhỏ, cây bạch dương cũng cao hơn 2m, bưng trên tay, ngọn cao quá nóc tàu, nên ông phải ôm xẻng và toàn bộ đồ lề, còn bà Xveta thì đặt cây xuống sàn, vòng tay che chắn để tránh hành khách chen làm gẫy cành. Rời ngoại ô từ trưa, đến chập tối, vợ chồng ông mới về đến Tượng đài Bác. Hai vợ chồng hì hục đào hố, trồng cây xong, mới sực nhớ là không tìm đâu ra nước rửa, đành mang xẻng, đồ lề, quần áo lấm đất, lên metro về nhà, y hệt những công nhân trở về từ công trường xây dựng. Sáng hôm sau, vợ chồng ông lại mang bình ra tưới cho cây, rồi mua dây thép, rồi cọc, làm rào bảo vệ cây...

Tháng ngày trôi qua, thấm thoát đã hơn chục năm trời. Ông Giáo nhìn cây bạch dương xanh tốt và khẽ nói: "Cây còn đây, mà bà ấy thì đã ở phương trời nào (bà Xveta đã mất). Để trồng được cây bạch dương này, công của bà ấy to lắm". Và những đôi lứa người Việt từng đến đây chụp ảnh cưới, hẳn họ sẽ thấy ý nghĩa lắm, khi đứng dưới tán cây bạch dương bên Tượng đài Bác, được trồng bởi đôi tay của một nàng dâu Việt người Nga - bà Xveta.

Cây bạch dương lớn dần theo năm tháng, giống như tình cảm của những người con đất Việt nơi xứ sở Bạch dương, mỗi tháng Năm về, lại đến đặt hoa bên Tượng đài Bác, gửi gắm trọn vẹn tình cảm kính yêu Bác về nơi quê nhà.

Bài và ảnh theo Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)